Anh đã sẵn sàng ném bom tiêu diệt IS
Song để đạt được sự đồng ý trên, các nghị viên nước Anh đã trải qua một cuộc tranh luận kéo dài hơn 10 tiếng với kết quả 397 phiếu thuận và 223 phiếu phản đối. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 tại Paris, Pháp đã đề nghị liên minh do Mỹ đứng đầu cần đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống IS.
Giờ đây Anh đã quyết định mở rộng không kích phiến quân vốn trước đó chỉ tiến hành ở Iraq. Mọi sự chú ý tiếp tục đổ dồn sang Quốc hội Đức với hy vọng nước này sẽ tiếp bước Anh cam kết sâu rộng hơn trong cuộc chiến chống IS. Trước đó, Đức công bố kế hoạch gửi 12.000 binh lính sang Syria nhưng chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ chứ không chiến đấu trực tiếp.
IS đánh bom tự sát ở Kobani, Syria ngày 20/10. Nguồn: CNN |
Ngay lập tức, Tổng thống Obama đã hoan nghênh quyết định của Quốc hội Anh và khẳng định liên minh sẽ hợp tác để nhanh chóng tiêu diệt lực lượng khủng bố ngày càng nguy hiểm này.
Tranh luận nảy lửa
Thủ tướng Anh David Cameron đã bắt đầu buổi tranh luận khi khẳng định IS là một mối đe dọa đối với người Anh với các dẫn chứng như vụ chặt đầu các con tin Anh ở Trung Đông và nhiều vụ việc thô bạo khác. “Đây không phải là chuyện chúng ta có muốn chiến đấu chống khủng bố hay không, mà là việc chúng ta thực hiện tốt tới đâu”, ông nói.
Thủ tướng Anh cho rằng London đang phải đối mặt với “một mối đe dọa cơ bản tới nền an ninh” và ông đặt ra câu hỏi: “Chúng ta có hợp tác với các đồng minh để tiêu diệt và phá hủy mối đe dọa này hay chúng ta chỉ ngồi đó và chờ cho khủng bố tấn công nước Anh trước?”.
Bộ trưởng Ngoại giao Philip Hammond cho CNN biết: “Đây là một việc làm đúng đắn để giữ nước Anh được an toàn, để đối phó với tổ chức khủng bố ma quỷ và là một phần trong tiến trình mang lại hòa bình và ổn định ở Syria”.
Ông Hammond cho biết chiến dịch quân sự của Anh sẽ có hai giai đoạn: không kích để làm yếu các cơ sở của IS và thực hiện các cuộc đột kích trên bộ. Các cuộc không kích sẽ được tiến hành ngay sau khi cuộc bỏ phiếu thông qua.
Không đồng tình với Thủ tướng Cameron, lãnh đạo Đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn gọi quyết định tham chiến ở Syria là “một trong những hậu họa tiềm tàng với tất cả người dân ở Anh cũng như ở Syria và Trung Đông”.
Ông Corbyn yêu cầu ông Cameron giải thích “làm sao việc Anh thả bom xuống Syria có thể thúc đẩy quá trình ổn định về mặt chính trị và xã hội sau cuộc chiến ở nước này”. Sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch trên, ông Cornyn đã đăng một đoạn tweet nói rằng Thủ tướng Anh đã buộc Quốc hội bỏ phiếu sau khi thấy sự phản đối trong dân chúng ngày càng gia tăng.
Năm 2013, Quốc hội Anh cũng đã bỏ phiếu về hành động quân sự ở Syria. Các nhà lập pháp khi đó đã từ chối yêu cầu của ông Cameron cần đáp trả chính phủ Syria khi sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến ở nước này. Quốc hội Anh chỉ cho phép quân đội tham gia chiến đấu ở Iraq như một phần trong liên minh quốc tế chống IS.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.