Anh chế tạo động cơ siêu thanh, kỷ nguyên máy bay ném bom mới bắt đầu?
Mặc dù động cơ này được thiết kế cho các loại máy bay dân sự, giá trị quân sự của nó rất đáng chú ý. Một quả tên lửa hoặc máy bay siêu thanh có thể tấn công các mục tiêu ở rất xa với tốc độ cao mà phần lớn các loại vũ khí hiện nay chưa thể làm được. Hơn thế nữa, các loại vũ khí này rất khó phòng ngừa.
Động cơ siêu thanh là công nghệ được các nước trên thế giới chú ý. |
Theo thỏa thuận, BAE sẽ mua 20% cổ phần của công ty Reaction Engines Limited, nhà sản xuất động cơ siêu thanh mới có tên là SABRE, với giá 31,8 triệu USD. BAE cũng sẽ hỗ trợ công ty này về mặt công nghệ và kỹ thuật để họ có thể tiến hành thử nghiệm động cơ mới. Chính phủ Anh cũng chi ra 90 triệu USD để công ty tiếp tục phát triển động cơ.
“Hai bên đã hợp tác với nhau dựa trên những đột phá về kỹ thuật mà Reaction Engines đã làm được cũng như những đánh giá tích cực về những tiềm năng của công nghệ mới này từ các chuyên gia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Viện Nghiên cứu Không quân Hoa Kỳ”, giám đốc điều hành của Reaction Engines là ông Mark Thomas cho biết.
Nếu thành công, SABRE sẽ là một bước tiến vượt bậc của hàng không vũ trụ. Nó sẽ cho phép máy bay cất cánh từ đường băng và đạt tốc độ lên đến Mach 5.0 khi đang bay.
Mặc dù SABRE được chế tạo trước mắt là nhằm phục vụ các chương trình thám hiểm không gian, công nghệ này cũng có thể được ứng dụng với mục đích quân sự. Động cơ này hoàn toàn có thể được lắp đặt lên một tên lửa hành trình hoặc một loại máy bay ném bom tốc độ cao. Với vận tốc cực nhanh, đối phương gần như không có cơ hội để đánh chặn các loại vũ khí này bằng công nghệ phòng không hiện nay.
Trên thế giới, các nước như Nga, Trung Quốc và Mỹ đều thực hiện những chương trình máy bay siêu thanh khác nhau. Mỹ chủ yếu tập trung vào phát triển động cơ scramjet, một công nghệ có thể giúp máy bay đạt vận tốc từ Mach 2.0 đến Mach 4.0. Cho đến giờ vấn đề nan giải đó là các loại nguyên vật liệu có thể chịu được nhiệt độ khi máy bay đạt vận tốc trên vẫn còn hạn chế.
Hiện tại, máy bay X-51 Waverider của hãng Boeing là một trong những ví dụ rõ ràng nhất của tính năng động cơ scramjet. Vào tháng 5/2013, một máy bay B-52 đã thả máy bay X-51 ở độ cao 15.200m. Chiếc máy bay không người lái này sau đó đã đạt vận tốc Mach 4.8 sau 26 giây. Khi đạt đến độ cao hơn 18.200m, vận tốc đã tăng lên Mach 5.1 trước khi nhiên liệu hoàn toàn cạn kiệt.
Thử nghiệm này cho thấy động cơ scramjet có thể ứng dụng được, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Không quân Mỹ và Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) hiện đang thử nghiệm các loại máy bay siêu thanh mới có vỏ ngoài bằng các chất liệu mà họ tin rằng có thể chống chịu nhiệt năng sinh ra khi máy bay đạt vận tốc gấp sáu lần tốc độ âm thanh.
“Chúng ta cần những chất liệu có thể chịu được nhiệt độ khi bay ở tốc độ siêu thanh. Chúng ta cũng phải có các thiết bị định hướng có thể hoạt động khi đạt tốc độ trên”, nhà khoa học Mica Endsley của Mỹ cho biết. “Đây là những thách thức về công nghệ mà chúng ta phải vượt qua để có thể đưa ra được một sản phẩm hoàn chỉnh”.
Không quân Mỹ hi vọng chiếc máy bay thử nghiệm hoàn chỉnh đầu tiên sẽ được cất cánh vào năm 2023. Nếu những nỗ lực của Không quân Mỹ và DARPA đạt được thành công, công nghệ scramjet nhiều khả năng sẽ được dùng để chế tạo một loại tên lửa tầm xa.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.