Anh báo động tình trạng di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche
Euronews đưa tin, số lượng người di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche từ châu Âu đến Vương quốc Anh đã vượt quá 400 người trong một ngày. Đây là một "kỷ lục mới" được chính phủ Anh hết sức quan tâm.
Mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng những người di bất hợp pháp đang trở thành con mồi dễ dàng cho mafia và làm giảm uy tín của quy chế tị nạn.
Theo Euronews, mới đây Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Vương quốc Anh đã ghi nhận hơn 400 người di cư mới vượt qua eo biển Manche trong một ngày. Đây là một con số kỷ lục. Thống kê trước đó một tháng có 235 người bị giam giữ, những người này hầu hết đều muốn ở Anh.
Các số liệu trên do Thủ tướng Boris Johnson công bố tại Hạ viện Anh. Ông Johnson cho biết: “Tôi rất thông cảm với những người muốn bắt đầu một cuộc sống mới. Họ tuyệt vọng đến mức mang theo trẻ em lên những chiếc thuyền bơm hơi. Nhưng đồng thời, tôi phải khẳng định hầu hết những người này thường là con mồi của các nhóm mafia lợi dụng để khiến họ vi phạm pháp luật. Ngoài ra, những người này còn làm suy yếu độ tin cậy của quy chế tị nạn, vốn được thực thi chính thức tại các nước”.
Trước đó, triển vọng đạt được một thỏa thuận về vấn đề di cư vẫn mờ mịt, các đại diện của Hy Lạp nhấn mạnh họ và các nước Nam Âu muốn thảo luận về việc phân bổ bắt buộc lượng người tị nạn trên khắp châu Âu, trong khi các nước như Ba Lan, Hungary, CH Czech và Slovakia lại kịch liệt phản đối.
Nhiều người di cư chủ yếu từ các nước châu Phi đã được giải cứu khi đang lênh đênh trên những con thuyền đánh cá xập xệ hay xuồng cao su trên Địa Trung Hải tới châu Âu để chạy trốn khỏi xung đột, nghèo đói và dịch bệnh.
Năm 2015, Liên mình châu Âu (EU) đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn. Khi đó, Tòa án Công lý châu Âu (CJE) của EU đã yêu cầu các nước trong khối chung tay giải quyết vấn đề này trên cơ sở nhận một lượng người di cư nhất định. Trong khi các nước có tiềm lực kinh tế như Đức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước Đông Âu như Hungary, Slovakia chỉ nhận khoảng 1% đến 2%.
Dù việc phân chia này được EU thông qua theo đa số từ năm 2015, nhưng kế hoạch phân bổ trên vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Trung và Đông Âu, trong đó có CH Czech, Slovakia, Romania và Hungary. Nhóm 4 nước trên luôn giữ quan điểm cứng rắn đối với việc tiếp nhận người di cư, cho rằng vấn đề này đe dọa đến ổn định của châu Âu.
Thương vụ S-400 thứ hai, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ toan tính điều gì?
Bất chấp những lời “đe dọa” của Mỹ về các lệnh trừng phạt mới, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa tiếp tục quyết định mua hệ thống S-400 từ Nga.
Thanh Bình (lược dịch)