Angela Merkel thăm Nga, đại sứ Ukraine "khuyên nhủ" chính phủ Đức
![]() |
Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Nga Putin |
Phát biểu với báo giới ngày 2/5, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Vladimir Dzhabarov cho rằng chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức Angela Merkel là một phần trong chiến dịch tranh cử của nhà lãnh đạo này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Merkel đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai bên nhất trí cho rằng các Thỏa thuận Minsk cần phải được tuân thủ. Bà Merkel bày tỏ ủng hộ lệnh ngừng bắn tại Syria và mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
"Bà Merkel đang tính toán cho chiến dịch tranh cử của mình và muốn chứng tỏ rằng có cơ hội khôi phục hợp tác với Nga, trong đó có lĩnh vực chống khủng bố. Bà Merkel hiểu rằng chính sách đối đầu với Nga sẽ không ghi được điểm, và việc hù dọa cử tri phương Tây về “mối đe dọa Nga” không còn phát huy tác dụng nữa", ông Dzhabarov nhận xét. Trong khi đó, đối thủ của đương kim Thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử sắp tới là ông Martin Schulz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu, người có lập trường chống Nga.
Ông Dzhabarov cũng dự báo rằng nếu tái cử trong cuộc bầu cử sắp tới, bà Merkel sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga, đồng thời nhấn mạnh xu hướng ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga vốn ngày càng gia tăng ở Phương Tây.
Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Nga của bà Merkel đánh dấu lần đầu tiên nguyên thủ Đức đến Nga kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.
Các nhà quan sát cho rằng hiện khả năng lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt lên Nga được dỡ bỏ là rất ít, tuy nhiên chuyến thăm của bà Merkel đã gửi đi một thông điệp rằng Đức, quốc gia chủ chốt trong Liên minh châu Âu, sẵn sàng đối thoại với điện Kremlin.
Theo các nhà phân tích, Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga; tại Nga, Đức có những lợi ích kinh tế và tài chính mang tính sống còn; rằng hàng trăm nghìn việc làm được tạo ra; rằng ngành công nghiệp và thương mại của Đức, với đại diện Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức, đóng vai trò quyết định trong chính sách của Berlin đối với Nga. Vì những lý do này, giới doanh nhân mong muốn các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ.
Giới chức Đức nhiều lần khẳng định thế giới cần Nga trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới và Berlin cũng muốn làm cầu nối giữa Nga và châu Âu.
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích chính trị Andranik Migranyan, Giáo sư Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO), quốc gia duy nhất hiện có đủ khả năng cho Đức cơ hội thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ chính là Nga.
![]() |
Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Đức Merkel |
Về phần mình, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Đức không lo ngại trước nguy cơ bị can thiệp bằng hình thức tấn công mạng trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang vào tháng 9 tới.
"Tôi không phải là người hay lo lắng. Tôi sẽ tranh cử dựa trên những nền tảng chắc chắn". Thủ tướng Đức thừa nhận tội phạm trong không gian mạng là một thách thức quốc tế nhưng bà cũng tin rằng, cuộc bầu cử ở Đức sắp tới sẽ không bị ảnh hưởng”, bà Merkel khẳng định. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của bà Merkel kể từ khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vào năm 2014.
Về phần mình, Tổng thống Putin nói rằng các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái chỉ dựa trên những tin đồn và Moscow không muốn các thế lực nước ngoài can thiệp vào nền chính trị Nga.
Khi được hỏi về cáo buộc nói rằng Nga can thiệp bầu cử Mỹ và cáo buộc về khả năng Nga sẽ can thiệp vào bầu cử Đức, ông Putin nêu rõ: "Chúng tôi không bao giờ can thiệp vào đời sống chính trị và các tiến trình chính trị của nước khác. Và, chúng tôi cũng muốn không ai can thiệp vào đời sống chính trị của nước Nga. Rất đáng tiếc, chúng tôi nhận thấy điều ngược lại, trong nhiều năm qua chúng tôi nhận thấy những âm mưu gây ảnh hưởng lên các tiến trình chính trị nội bộ nước Nga. Và những âm mưu này được thực hiện trực tiếp, hoặc được ngụy trang dưới vỏ bọc của cái gọi là những tổ chức phi chính phủ".
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Huffington Post phiên bản tiếng Đức, Đại sứ Ukraine tại Đức Andrey Melnik đã kêu gọi Berlin nên có chuẩn bị trước đối với "sự can thiệp của Nga" trong cuộc bầu cử quốc hội nước này vào tháng 9/2017 tới.
Nhà ngoại giao Ukraine cho biết: "Tôi có thể khuyến cáo chính phủ Đức nên sẵn sàng cho mọi thứ. Các cuộc tấn công phi quân sự đôi khi đau đớn hơn, và thật không may, cũng hiệu quả hơn".
Theo ông Miller, các nhà chức trách Đức nên chú trọng đến tình huống "tấn công mạng nhằm vào các chính trị gia hàng đầu và trụ sở các đảng, được thực hiện bởi những người nói tiếng Nga thông qua phương tiện truyền thông xã hội và tin tức giả mạo".