Ẩn ý sau quyết định Nga bắt tay với cả Ấn Độ và Pakistan?
Hôm 13/8, một quan chức cấp cao của quân đội Nga cho hay, Moscow sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung với Ấn Độ từ ngày 19 – 29/10. Thông báo này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bởi đây sẽ là lần đầu tiên, Nga và Ấn Độ tổ chức diễn tập chung với sự tham gia của cả lực lượng không quân, hải quân và lục quân.
Đáng nói, thời điểm Moscow tuyên bố mở rộng quan hệ quân sự với New Delhi diễn ra chỉ sau vài ngày Pakistan tổ chức các cuộc đàm phán với phía Nga về thương vụ mua bán chiến đấu cơ Su-35.
![]() |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Sự hợp tác với cả Ấn Độ và Pakistan là một phần trong chiến lược cân bằng của Nga ở Nam Á. Theo ông Samuel Ramani công tác tại Đại học Oxford, một khi chiến lược này thành công, vị thế trên trường quốc tế của Moscow không chỉ lớn mạnh hơn mà còn giúp Nga có thể trực tiếp cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua giành tầm ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, chiến lược cân bằng của Nga ở Nam Á còn đảm bảo New Delhi và Islamabad sẽ hỗ trợ Moscow ngăn chặn tình trạng bất ổn ở Trung Á và ở Afghanistan.
Theo tạp chí Diplomat, Nga cũng khẳng định mối quan hệ đối tác an ninh với Ấn Độ và Pakistan sẽ giúp 2 quốc gia Nam Á này giải quyết được hai vấn đề an ninh chủ chốt trong khu vực.
Thứ nhất, Nga nhấn mạnh quan hệ hợp tác với Ấn Độ và Pakistan là nhằm cùng chung sức trong cuộc chiến chống khủng bố xuyên quốc gia.
Lâu nay, giới chức Ấn Độ vẫn nhiều lần cáo buộc Pakistan tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, còn truyền thông Pakistan lại đổ lỗi cho sự trỗi dậy của các tay súng hồi giáo cực đoan ở Ấn Độ. Đây chính là lý do Nga chọn cách bắt tay với cả Ấn Độ và Pakistan để giúp hai quốc gia này ngừng đổ lỗi cho nhau và tiến tới chung sức chống lại mối đe dọa khủng bố ở Nam Á.
Trái với cách tiếp cận mang tính kết tội của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga đã chọn cách hợp tác song phương với cả Ấn Độ và Pakistan để giải quyết mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố ở Nam Á. Theo chương trình chống khủng bố của Nga, Ấn Độ cần tập trung vào công tác thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn làn sóng di chuyển các phần tử khủng bố. Đây là lý do Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định hỗ trợ Ấn Độ trong chiến dịch truy quét khủng bố ở Kashmir sau vụ tấn công ở Uri vào năm 2016.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của Nga đối với Ấn Độ có nguy cơ làm tổn hại tới quan hệ song phương giữa Moscow và Islamabad. Để xoa dịu Pakistan, Moscow đã nhấn mạnh Pakistan là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Giới chức Nga cũng khẳng định, những tuyên bố mang tính khiêu khích của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump nhằm vào Pakistan đang tạo ra bất ổn cho khu vực. Do đó, Moscow đã trao cho Pakistan một vị thế quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình do Nga tổ chức để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afghanistan. Hành động của Nga còn giúp quốc gia này có được sự ủng hộ từ phía Pakistan trong chiến lược mở rộng sự hiện diện ngoại giao ở Afghanistan.
Vấn đề an ninh lớn thứ hai trong chiến lược cân bằng của Nga ở khu vực Nam Á chính là giải quyết tình trạng căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan ở vùng Kashmir. Thậm chí, Nga đã từ chối vị thế là thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để không phải đưa ra những tuyên bố đổ lỗi cho Ấn Độ hay Pakistan là nguyên nhân gây căng thẳng leo thang. Nga còn nhấn mạnh khả năng trở thành nhà hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan.
Mối quan hệ hợp tác an ninh và kinh tế giữa Nga và Ấn Độ có sức ảnh hưởng địa chính trị lớn hơn nhiều so với quan hệ giữa Nga và Pakistan. Song theo ông Ramani, Nga đã biết cách tận dụng các cuộc đàm phán chống khủng bố và vị thế là trung gian hòa giải căng thẳng biên giới giữa New Delhi - Islamabad để giành thiện cảm của cả Ấn Độ và Pakistan từ đó thi hành chiến lược cân bằng ở Nam Á.
Cũng theo ông Ramani, một khi giới chức điện Kremlin giúp hạ hỏa căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan, các mặt hàng quân sự của Nga hoàn toàn có cơ hội mở rộng thị phần sang những thị trường mới. Hành động này sẽ càng nhấn mạnh vị thế quan trọng của Nga trên trường quốc tế và Moscow hoàn toàn có thể mở rộng tầm ảnh hưởng hữu hình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.