An Quý Hưng thua lỗ bao nhiêu kể từ ngày "xuống tiền" vào Vinaconex?
Mức giá đấu thành công lên đến 28.900 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá khá sốc khi giá khởi điểm được đưa ra chỉ là 21.300 đồng/cổ phiếu, và giá giao dịch trên sàn tại thời điểm đó chỉ 17.700 đồng/cổ phiếu.
Để có thể thâu tóm 57,71% cổ phần tại Vinaconex và trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này, An Quý Hưng đã phải chi ra 7.369 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu VCG đã tăng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần sau với 1 phiên giảm sàn bởi thông tin về nội bộ lục đục của công ty. VCG chốt phiên 29/3 ở mức giá 27.000 đồng/cổ phiếu, với mức giá này, nhà đầu tư An Quý Hưng đã lỗ 485 tỷ đồng kể từ ngày chi tiền tấn thâu tóm Vinaconex.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu VCG đã tăng 52% kể từ ngày Vinaconex “thay máu” toàn bộ HĐQT và BKS. Việc thay đổi này diễn ra sau khi An Quý Hưng mua lại 57,71% cổ phần Vinaconex từ SCIC, và hai nhà đầu tư là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ mua lại 21,3% và CTCP Đầu tư Star Invest mua lại 7,57% cổ phần tại Vinaconex từ Viettel và Pyn Elite Fund.
Cũng chính vì 3 cổ đông lớn mới của Vinaconex không thể tìm được tiếng nói chung nên mới đây, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019.
Việc tòa án ra quyết định này xuất phát từ đơn yêu cầu của Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest cùng các chứng cứ và tài liệu có liên quan.
HĐQT mới của Vinaconex ra mắt tháng 1/2019 đến nay đã có những bất đồng nghiêm trọng. |
Ngay sau quyết định nói trên của tòa án, Vinaconex (thực chất là An Quý Hưng) có văn bản khiếu nại gửi Chánh án tòa án Nhân dân TP Hà Nội và Chánh án Tòa án Nhân dân quận Đống Đa.
Trong đó, đơn vị này kiến nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp mà cơ quan này vừa ban hành. Đồng thời, Vinaconex yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Tổng công ty và các cổ đông của Vinaconex đối với các tổn thất do ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định dừng khẩn cấp nói trên, bao gồm cả việc giảm giá cổ phiếu sau khi quyết định này được công bố.
Trước đó, đại hội cổ đông bất thường của Vinaconex đã bầu ông Đào Ngọc Thanh - người từng giữ chức Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Hưng - chủ đầu tư dự án Khu đô thị (Ecopark) vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Ông Đào Ngọc Thanh hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Contana, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API)...
Ngoài ông Đào Ngọc Thanh là người thuộc nhóm cổ đông Công ty TNHH An Quý Hưng như đã nói ở trên, HĐQT Vinaconex còn có ông Nguyễn Xuân Đông hiện đang là CEO của An Quý Hưng. Ông Đông được bầu làm thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinaconex.
An Quý Hưng là công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trụ sở chính tại Chương Mỹ, Hà Nội. Công ty được thành lập năm 2011 và hiện là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp tại khu vực miền Bắc cũng như lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Hiện tại, cơ cấu cổ đông An Quý Hưng gồm ông Nguyễn Xuân Đông – Tổng giám đốc nắm 78,4% vốn và vợ ông là bà Đỗ Thị Thanh nắm 21,6% vốn.