An Giang: Mưa chưa nhiều, đường đã sạt lở
An Giang: Mưa chưa nhiều, đường đã sạt lở
Ngoài vụ sạt lở nghiêm trọng vừa qua xảy ra ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên mà chính quyền đang tích cực phục hồi, chống lở, hiện có 12 trong số 53 đoạn sông có nguy cơ sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang được công bố qua kết quả đo đạc, khảo sát các tuyến sông trên địa bàn do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện.
Nhiều đoạn bờ sông sẽ không chịu nổi khi mưa lũ về
Cụ thể, khu vực được cảnh báo nguy cơ sạt lở đất mức độ rất nguy hiểm là các bờ sông thuộc đoạn sông trên các địa bàn: thị xã Tân Châu có Tân An và Long Châu (Sông Tiền, kênh Vàm Sáng), Long An (kênh Vàm Sáng); huyện Chợ Mới có Kiến An, Long Điền A, Tấn Mỹ (sông Tiền), Kiến An, Mỹ Hội Đông (sông Vàm Nao), TP Long Xuyên có Mỹ Hòa Hưng (sông Hậu), huyện An Phú có Vĩnh Hậu (kênh Vàm Sáng).
Ngoài 12 đoạn sông nói trên, có 32 đoạn sông được cảnh báo ở mức độ nguy hiểm và 09 đoạn sông cảnh báo ở mức độ trung bình.
Đặc biệt, có những đoạn sông mà tình trạng sạt lở đất bờ sông đã trở thành vấn nạn. Điển hình như địa bàn xã Bình Thủy, TP Long Xuyên đã trở thành vấn nạn xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để. Bình quân, hàng năm Bình Thủy có khoảng 2 ha đất bị sạt lở, ước thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Riêng đợt sạt lở trong mùa lũ năm 2011, diện tích sạt lở lên đến 5 ha, lớn nhất từ trước đến nay với ước thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận dân cư sống dọc theo bờ sông Hậu thuộc 4 ấp Bình Phú, Bình Thới, Bình Thiện và Bình Hòa.
Ngoài ra, có những tuyến đường không phải bờ sông cũng bị tình trạng sạt lở. Chẳng hạn như tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Tri Tôn, nối Tỉnh lộ 941 (vị trí cầu số 13, xã Tà Đảnh) đến Tỉnh lộ 943 (vị trí cầu Sóc Triết, xã Cô Tô) được trải nhựa bằng phẳng và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009.
Mất nhà vì nạn sạt lở bờ sông
Từ cuối năm 2011 đến nay, một đoạn dài hơn 100m trên địa bàn xã Tà Đảnh bị sạt lở nghiêm trọng. Do lượng lớn đất ven đường bị tuôn xuống bờ ruộng khiến phần đường nhựa cũng bị lở theo, có nơi ăn sâu vào gần 0,5m. Ngay gần giữa mặt đường còn xuất hiện nhiều vị trí nứt gãy.
Anh Lê Văn Sinh, sống gần đó cho biết, các điểm rạn nứt lúc đầu chỉ xuất hiện vệt nhỏ nhưng ngày càng lan rộng, có khả năng 1/2 con đường sẽ bị đổ xuống ruộng.
Với tình trạng trên, liệu mùa mưa, lũ năm nay cuộc sống người dân nằm trong vùng nguy hiểm kể trên có an toàn?
bảo trân