Ấn Độ và Nga: Khó trăm bề khi hợp tác chế tạo tiêm kích tàng hình T-50?
Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin dường như đã không thể xoay chuyển tình thế. Theo báo India Today, New Delhi tỏ ra mất lòng tin đối với dự án máy bay T-50 của Nga sau khi Moscow yêu cầu giảm bớt số lượng máy bay mua về. Trong tình hình này, nội bộ Không quân Ấn Độ tin rằng nếu Nga đang rút khỏi dự án này, Ấn Độ sẽ có trong tay một loại phi cơ không đạt chuẩn.
Máy bay T-50 của Nga. |
Ấn Độ không hài lòng khi Nga không yêu cầu hợp tác của nước ngoài trong việc phát triển máy bay, trong khi nước này đã đầu tư rất nhiều vào dự án. Hơn nữa, Ấn Độ cũng bày tỏ lo ngại đối với khả năng, tốc độ cũng như động cơ của máy bay, bởi loại động cơ NPO Saturn AL-41F1 của Nga sẽ được dùng cho T-50 không đủ mạnh để sử dụng cho một phi cơ thế hệ thứ năm.
Nhưng vấn đề mấu chốt là việc Nga giảm bớt số lượng máy bay T-50 mà họ bán ra, và New Delhi coi đây là tín hiệu cho thấy chính bản thân Moscow cũng không tin tưởng khả năng T-50. Thực tế, không quân Nga có dự dịnh mua một chục máy bay T-50 sau khi động cơ Izdeliye 30 được hoàng thiện. Thay vì mua T-50, Nga vẫn tiếp tục sản xuất các phiên bản mới của loại máy bay Su-30 và Su-35.
Báo Indian Express trước đó đưa tin rằng Nga đã giảm tổng trị giá của các máy bay T-50 từ 6 tỉ USD xuống còn 3,7 tỉ USD, nhưng phía Ấn Độ vẫn không chấp nhận mức giá này. Hơn thế nữa, họ cũng không hài lòng khi không được tham gia vào quá trình phát triển máy bay.
Ngay cả với thỏa thuận mới, không quân Ấn Độ muốn rút khỏi dự án này. “Chúng tôi chưa cần đến các loại máy bay thế hệ thứ năm”, một quan chức không quân nói với báo Indian Express. “Máy bay T-50 vào thời điểm này có giá thành quá cao mà chúng tôi không chắc chắn về khả năng chiến đấu của nó”.
Bên cạnh việc hai bên không thống nhất về việc hợp tác phát triển máy bay T-50, Ấn Độ vẫn chưa thể ký thỏa thuận mua về tên lửa đất đối không S-400 hiện đại của Nga. Ấn Độ trước đó tuyên bố rằng họ muốn có một hệ thống phòng không thế hệ tiếp theo, song Nga lại muốn máy bay T-50 được thêm vào trong thỏa thuận này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.