Ấn Độ thử “sát thủ diệt hạm” BrahMos bắn trúng mục tiêu cách 290km
Tên lửa BrahMos |
"Vụ phóng thử tên lửa được thực hiện lúc 13:10 giờ địa phương (11:40 giờ MSK) bằng bệ phóng tự động và lần đầu tiên thành công trong việc bắn trúng mục tiêu mặt đất ở khoảng cách tối đa - 290 km", Tass dẫn một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Nguồn tin cho biết thêm trước khi phóng thử, Bộ Quốc phòng dự định phóng ở một tầm ngắn hơn. Đây là lần thử nghiệm thứ 47 dòng tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.
Tên lửa hành trình BrahMos có chiều dài 9 m, đường kính 70 cm có thể mang đầu đạn nặng 200-300 kg , có tầm bắn tối đa lên đến 290 km, tốc độ Mach 2.8 (gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh).
Tháng 3/2014, quân đội Ấn Độ cũng đã tiến hành thử nghiệm tên lửa BrahMos phóng từ tàu ngầm.
Hiện nay, quân đội Ấn Độ đang chuẩn bị thử nghiệm tên lửa BrahMos trên máy bay tiêm kích Su-30MKI trang bị cho Không quân.
Tên lửa hành trình BrahMos dưới bụng Su-30MKI |
BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh được Nga và Ấn Độ liên doanh phát triển dựa trên cơ sở của tên lửa đẩy Yakhont - phiên bản xuất khẩu của tên lửa diệt hạm P-800 Onyx.
Tên lửa BrahMos gồm hai tầng, với động cơ đẩy chạy bằng nhiên liệu rắn ở tầng một và nhiên liệu lỏng ở tầng hai, hiện là loại tên lửa có tốc độ nhanh nhất thế giới và là khắc tinh của mọi loại tàu chiến cho đến nay.
Sức mạnh của tên lửa hành trình BrahMos nằm ở khả năng bay với tốc độ siêu âm của nó. Sau khi được phóng đi BrahMos sẽ bay tới mục tiêu với tốc độ gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh và miễn nhiễm hoàn toàn với các hệ thống phòng không đối phương, điều duy nhất mà kẻ thù có thể làm được là bỏ chạy, các chuyên gia cho biết.