Ấn Độ tăng cường tàu sân bay để bảo vệ lợi ích ở Biển Đông
Tiêm kích MIG-29K lần đầu tiên hạ cánh trên tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ. |
“Trong khi Trung Quốc có quyền tăng cường và xây dựng hạ tầng quân đội trên lãnh thổ của họ, Ấn Độ cũng có quyền phát triển lực lượng của mình. Trong những năm qua, Không quân và quân đội Ấn Độ nói chung đã liên tục phát triển lực lượng và quá trình này sẽ còn tiếp tục”, ông Antony – người đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ lâu nhất lịch sử nước này - nói trong buổi lễ ra mắt phi đội 18 chiếc tiêm kích siêu thanh MIG-29K dành cho tàu sân bay đầu tiên của nước này.
Đây là những tuyên bố khá mạnh mẽ của người đứng đầu cơ quan quốc phòng Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề biên giới lãnh thổ với Trung Quốc ở khu vực phía bắc bang Ladakh vừa được giải quyết. Hồi đầu tháng 5, Trung Quốc đã xua một nhóm quân tràn qua Đường ranh giới Kiểm soát thực (LAC) – nơi tạm thời phân chia lãnh thổ Trung Quốc và Ấn Độ. Sau những cuộc đàm phán, cả 2 bên đã đồng ý rút quân về vị trí cũ dọc theo LAC.
Cũng trong buổi họp báo này, ông Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ một lần nữa lên tiếng bày tỏ sự lo ngại trước những hành động ngày càng nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Antony nói: “Cần phải có sự tự do hàng hải theo đúng tinh thần của Công ước của Liên Hợp Quốc. Ấn Độ có lợi ích kinh tế và thương mại ở Biển Đông mặc dù chúng tôi không phải là một bên tham gia vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Tất cả những tranh chấp này cần phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển của LHQ”.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tục có những hành động hung hăng, hiếu chiến và tuần tra trên Biển Đông nhằm củng cố cho những tuyên bố đơn phương về cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc theo đường 9 đoạn” bất chấp sự phản đối của tất cả các bên liên quan như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia…
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Antony khẳng định, việc tăng cường sức mạnh hải quân thông qua tăng số lượng tàu sân bay, thành lập phi đội tiêm kích hiện đại cho tàu sân bay là một phần để phục vụ việc bảo vệ lợi ích kinh tế và thương mại của Ấn Độ nằm trong 2 dự án khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông (ở các lô 127 và 128). “Phía Trung Quốc cho rằng các lô dầu khí này không nằm trong trong phạm vi 200 hải lý của Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam nhưng Ấn Độ khẳng định, chiểu theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cả 2 lô đều nằm trong EEZ của Việt Nam và Ấn Độ hoàn toàn có quyền hợp tác với Việt Nam để khai thác và thăm dò”.
“Không loại trừ khả năng hải quân Ấn Độ sẽ can thiệp vào Biển Đông nếu lợi ích quốc gia bị tổn thương”, ông AK Antony đã có lần tuyên bố.
Tàu sân bay INS Vikramaditya đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào cuối năm 2013. |
Khi nói về năng lực hải quân, ông Antony cho biết, đến cuối năm 2013, Ấn Độ sẽ lần đầu tiên hiện thực hóa được giấc mơ có 2 hạm đội tàu sân bay đầy đủ trong đó, ít nhất mỗi tàu sân bay sẽ đi kèm 1 đội tàu hộ tống gồm tàu khu trục, một tàu tiếp dầu, và một số tàu chiến nhỏ. Nhiệm vụ của các hạm đội tàu sân bay này đã đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển và vùng biển phục vụ cho lợi ích của Ấn Độ.
Hiện tại, Ấn Độ đang sở hữu một tàu sân bay duy nhất là chiếc Viraat thuộc lớp Centaur mua lại của Anh. “Chúng ta còn sắp được đón chào chiếc tàu ngầm hạt nhân INS Arihant. Nó sắp xong rồi, các bạn hãy chờ đợi”, ông Antony tiết lộ.
Vào ngày 12/8 năm nay, Ấn Độ sẽ cho hạ thủy tàu sân bay nội địa tự đóng còn chiếc hàng không mẫu hạm INS Vikramaditya (mua của Nga) sẽ cập cảng Ấn Độ vào khoảng cuối năm 2013. Hôm 11/5, Hải quân Ấn Độ đã chính thức tiếp nhận phi đội MIG-29K gồm 18 chiếc đầu tiên trong hợp đồng mua 45 chiếc trị giá 2,4 tỷ USD từ Nga.
Theo tiết lộ từ phía Bộ Quốc phòng Ấn Độ, 16 chiếc MIG-29K sẽ được phiên chế cho tàu INS Vikramaditya. Từ nay đến cuối năm 2013, những tiêm kích siêu thanh này sẽ vẫn phải cất cánh từ sân bay trên bộ thuộc một căn cứ quân sự ở bang Goa. Chiếc tàu sân bay Ấn Độ tự đóng (tên mã là IAC-1) có lượng giãn nước 40 ngàn tấn, có thể mang theo 29 máy bay chiến đấu phản lực và 10 máy bay trực thăng, sẽ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2016.
“Ấn Độ cần phải tiếp tục duy trì sự sẵn sàng của mình thông qua việc mua sắm và phát triển các vũ khí, khí tài công nghệ mới và đào tạo, huấn luyện nhân lực thiện chiến trong bối cảnh vấn đề an ninh trong khu vực liên tục biến đổi”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh.