Ấn Độ sẽ triển khai Hải quân ở Biển Đông
Tuyên bố này của Ấn Độ khiến mối lo ngại về một cuộc đụng độ quân sự tại Biển Đông đã được nâng lên một mức mới bởi trong thời gian vừa qua, Trung Quốc cũng đang tỏ ra rất “ráo riết” tăng cường hoạt động tại vùng biển này.
Trong quá khứ, Ấn Độ và Trung Quốc đã có những cuộc đối đầu về ngoại giao liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các công ty Ấn Độ liên doanh với công ty Việt Nam tại vùng bờ biển Việt Nam.
Tàu chiến của Hải quân Ấn Độ. (ảnh minh họa) |
Bằng tuyên bố “đường lưỡi bò” phi lý, Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông và cũng đang từng bước tăng cường sự hiện diện của quân đội tại đây. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei… cũng tuyên bố và kiểm soát một phần Biển Đông.
Công ty thăm dò dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) hiện vẫn đang có cổ phần tại liên doanh khai thác khí tự nhiên tại mỏ Nam Côn Sơn – Việt Nam và hiện nay Ấn Độ cũng đã tham gia đấu thầu thăm dò, khai thác 3 lô dầu khí khác với Việt Nam.
Theo đô đốc D.K Joshi, Ấn Độ không có tuyên bố nào liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông nhưng nước này cần có sự chuẩn bị để bảo vệ quyền hàng hải và quyền lợi kinh tế của Ấn Độ tại khu vực này.
“Hải quân Ấn Độ sẽ không thường xuyên có mặt ở đó (Biển Đông) nhưng khi cần thiết, ví dụ trong trường hợp lợi ích quốc gia của chúng tôi, chẳng hạn như ONGC bị xâm hại, chúng tôi (hải quân Ấn Độ) sẽ có mặt để bảo vệ”, đô đốc Joshi tiết lộ trong một buổi họp báo, “Bây giờ nếu có ai hỏi phải chăng chúng tôi đang chuẩn bị cho việc đó? Phải chăng Ấn Độ đang tổ chức tập trận vì điều đó? Câu trả lời ngắn gọn là: Đúng thế!”.
Ông Tổng tư lệnh hải quân Ấn Độ cũng không ngần ngại cho biết, việc Trung Quốc liên tục hiện đại hóa hải quân chính là điều khiến cho Ấn Độ “rất đáng chú ý và rất đáng lo ngại”.
Trước tuyên bố này của hải quân Ấn Độ, giới quan sát quốc tế tỏ ra khá lo ngại rằng sự xuất hiện của hải quân Ấn Độ sẽ khiến cho vùng biển này trở nên “nhạy cảm” hơn bởi nguy cơ xảy ra đụng độ giữa hải quân của 2 cường quốc lớn nhất châu Á là rất cao.
“Đây là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới và vấn đề tự do hàng hải là ưu tiên tối quan trọng của Ấn Độ bởi phần lớn lưu lượng hàng hóa thương mại của Ấn Độ đều phải đi qua vùng biển này”, Brahma Chellaney, nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu chính sách có trụ sở tại New Delhi nhận xét.
Tuy vậy, ông Chellaney cho rằng hải quân Ấn Độ nên tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, nơi được coi là “sân sau chiến lược” của quốc gia Nam Á này.
Đô đốc D. K. Joshi - Tổng tư lệnh Hải quân Ấn Độ: "Khi cần thiết, ví dụ trong trường hợp lợi ích quốc gia của chúng tôi, chẳng hạn như ONGC bị xâm hại, chúng tôi (hải quân Ấn Độ) sẽ có mặt để bảo vệ" " |
Hồi tháng 9/2011, trong khi một tàu chiến Ấn Độ đang trên đường đến cảng Hải Phòng của Việt Nam đã bị một tàu tự tuyên bố là “tàu của hải quân Trung Quốc” cảnh báo qua sóng radio rằng tàu Ấn Độ đang xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc. Rất may là sau đó không có đụng độ nào xảy ra và tàu của Ấn Độ vẫn tiếp tục di chuyển bình thường. Sau đó cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không nhắc đến sự kiện này nhưng New Delhi khẳng định tàu của họ đang di chuyển trong vùng biển quốc tế và không có đụng độ nào xảy ra.
Trong những ngày gần đây, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc đang tỏ ra đặc biệt lo ngại trước việc truyền thông Trung Quốc loan tin chính quyền tỉnh Hải Nam đã cho ban hành một đạo luật mới cho phép cảnh sát biển được lên tàu lục soát, bắt giữ các tàu nước ngoài bị coi là “xâm nhập trái phép” vào lãnh hải của họ kể từ ngày 1/1/2013.
Hôm 1/12 vừa qua, phía Philippines đã khẳng định quy định này của Trung Quốc là “bất hợp pháp” còn Singapore – quốc gia đang sở hữu cảng biển nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới bày tỏ sự “vô cùng lo ngại” đối với quy định này.
Khi được hỏi phản ứng của Ấn Độ về đạo luật cho phép bắt giữ tàu nước ngoài trên Biển Đông của Trung Quốc, đô đốc – Tư lệnh hải quân Ấn Độ Joshi khẳng định: Ấn Độ có quyền tự vệ.
Trong báo cáo của Tổng cục thông tin năng lượng Hoa Kỳ phát hành hồi năm 2008, trữ lượng dầu mỏ chưa được khai thác của Biển Đông vào khoảng 213 tỷ thùng, lớn hơn trữ lượng dầu mỏ của hầu hết các nước trên thế giới ngoại trừ Arap Saudi và Venezuela.