Ấn Độ sắp soán ngôi Nhật Bản trên phương diện gì?
Nền kinh tế Ấn Độ có thể vươn từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 thay thế Nhật Bản trong danh sách các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trong 30 năm tới.
Đây là kết quả từ cuộc nghiên cứu mới được tiến hành đầu năm nay do tờ Lancet công bố. Theo nghiên cứu, Ấn Độ sẽ là quốc gia có số dân trong độ tuổi lao động lớn nhất thế giới trước năm 2030 và xu hướng này tiếp tục tăng lên mức kỷ lục trước năm 2050. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ vẫn duy trì lực lượng lao động là người trưởng thành đông đảo nhất so với bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới vào cuối thế kỷ này.
Ấn Độ được cho có thể soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới. (Ảnh: Reuters) |
Vào năm 2017, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, trước khi vươn lên vị trí thứ 5 như hiện nay. Những thay đổi về nhân khẩu sẽ cho phép quốc gia Nam Á này vươn lên vị trí thứ 4 trên thế giới xét về quy mô kinh tế vào năm 2030 chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tới năm 2050, Ấn Độ được dự đoán sẽ soán ngôi Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và vị trí này duy trì tới năm 2100, theo Lancet.
Sự canh tranh suốt thời gian dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ chứng một số thay đổi thú vị. Theo nghiên cứu của Lancet, Trung Quốc được cho sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030 để giành vị trí là nền kinh tế số 1 thế giới. Tuy nhiên, vị trí của hai nước có thể lại hoán đổi cho nhau vào năm 2098.
Ấn Độ trở thành nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới xét theo GDP hồi năm ngoái, vượt qua cả Pháp và Anh, theo số liệu trong báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Thế giới tháng 10 được IMF công bố. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vẫn đang nằm trong nhóm các nước cao nhất trong 10 năm qua và đạt giá trị GDP là 2,94 ngàn tỉ USD vào năm 2019.
Ngoài ra, Ấn Độ đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là nền kinh tế 5 ngàn tỉ USD vào năm 2025. Với mục tiêu này, Ấn Độ sẽ phải đạt gần gấp đôi quy mô GDP hiện tại. Song trong hoàn cảnh hiện nay, tác động từ dịch Covid-19 khiến Ấn Độ khó lòng có thể giành được mục đã tiêu đề ra. Cụ thể, kinh tế Ấn Độ chứng kiến sự sụt giảm trong quý I năm nay ở mức kỷ lục 23,9%. Khi lệnh phong tỏa được nói lỏng, GDP của Ấn Độ vẫn bị sụt giảm ít nhất là 10% trong năm tài khóa này.
Minh Thu (lược dịch)