Ấn Độ nỗ lực giải 'bài toán biên giới' với Trung Quốc
Theo tác giả Nitin A. Gokhale trên tờ Diplomat, nếu Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ AK Antony nghĩ rằng chuyến thăm Trung Quốc của mình sẽ giải quyết rạn nứt lâu đời giữa hai quốc gia thì có lẽ ông đã bị “dội gáo nước lạnh”. Ngay trước khi ông tới Bắc Kinh hôm 7/4, một tướng quân đội Trung Quốc có tư tưởng hiếu chiến đã cảnh cáo Ấn Độ không được “khơi thêm rắc rối mới” hay “khuấy động tình hình” bằng các kế hoạch tăng cường quân đội ở biên giới hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony (phải) và người đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Bắc Kinh hôm 5/7/2013. |
Thiếu tướng Luo Yuan, hiện đang làm việc tại Học viện khoa học quân sự của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), vốn nổi tiếng về phong cách khoa trương.
Ông này phát biểu trước Hiệp hội các nhà báo toàn Trung Quốc rằng: “Không ai có thể phủ nhận rằng có căng thẳng và vấn đề giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt ở các khu vực biên giới”.
“Một vấn đề vẫn tồn tại là 90.000km2 lãnh thổ vẫn đang bị phía Ấn Độ chiếm giữ”, vị tướng này nói thêm, ám chỉ tới vùng Arunachal Pradesh mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
“Tôi nghĩ đây là những vấn đề do lịch sử để lại và chúng ta nên xem xét các vấn đề này bằng cái đầu lạnh. Đặc biệt là phía Ấn Độ không nên khuấy động thêm rắc rối mới hay tăng cường điều động quân sự đến khu vực biên giới, khuấy động tình hình”, Tướng Luo nói.
Có thể tuyên bố của ông Luo không phản ánh quan điểm chính thức của các cấp cao nhất trong chính quyền Trung Quốc nhưng việc ông này công khai cảnh cáo Ấn Độ ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Antony cho thấy một bộ phận lãnh đạo Trung Quốc vẫn có tư tưởng hiếu chiến đối với Ấn Độ. PLA nổi giận vì Ấn Độ nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), đường biên giới hiện nay giữa hai quốc gia.
Mặc dù giới lãnh đạo chính trị của Trung Quốc vẫn tập trung vào cải thiện quan hệ thương mại song phương với Ấn Độ và hợp tác với Ấn Độ về các vấn đề như biến đổi khí hậu, các quan chức PLA có tư tưởng bảo thủ vẫn gia tăng sức ép về vấn đề biên giới, luôn “nhăm nhe” đẩy tình hình vào tình trạng “bờ vực chiến tranh” giống như biến cố hồi tháng Tư vừa qua. Ngày 15/4, một trung đội lính Trung Quốc đã tiến sâu 19km vào lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền và ở lại đó trong vòng 3 tuần lễ trước khi rút lui.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng, hai bên phải nỗ lực lớn cả về mặt quân sự và ngoại giao. Tình trạng bế tắc đã được giải quyết bởi lẽ điều đó có lợi cho Trung Quốc. Hồi tháng Năm, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Ấn Độ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách Thủ tướng. Khi tới New Delhi, ông Lý đã “vuốt ve” Ấn Độ bằng cách ca ngợi mối quan hệ lâu đời giữa hai nền văn minh và cho rằng hai bên đủ khôn ngoan để giải quyết các vấn đề tồn tại và tăng cường hợp tác trên các “mặt trận” khác.
Thực ra nhìn bên ngoài, mối quan hệ Trung - Ấn thực sự đang trên đà phát triển: quan hệ thương mại song phương đang bùng nổ và dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD trong vòng vài năm tới dù cho dự kiến Ấn Độ sẽ đón nhận thâm hụt lớn trong cán cân thương mại với Trung Quốc. Các hoạt động trao đổi văn hóa và con người giữa hai nước cũng gia tăng mạnh mẽ và cả New Delhi và Bắc Kinh cũng đã hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu. Thế nhưng, cả hai quốc gia vẫn chưa phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc thương lượng về biên giới kéo dài nhất lâu nhất trên thế giới.
Cuộc tranh chấp biên giới Trung - Ấn đã kéo dài nhiều thập kỷ. |
Trách nhiệm giải quyết các vấn đề về biên giới được đặt lên vai các “Đại diện đặc biệt” của cả hai nước. Trong những ngày cuối tháng Sáu vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shankar Menon đã tiến hành các cuộc thương lượng với người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh sau khi New Delhi và Bắc Kinh nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán.
Khi các cuộc đàm phán kết thúc, phía Ấn Độ phát biểu rằng hai bên “đã thảo luận những cách thức và biện pháp củng cố cơ chế hội đàm và hợp tác hiện nay về các vấn đề biên giới và biện pháp tăng cường tính hiệu quả trong đối thoại giữa hai bên”.
Hai bên đã nhất trí luôn mở các kênh giao tiếp để tránh xảy ra biến cố dọc theo đường biên giới dài tới 4.000km tuy nhiên vẫn đạt được thời hạn nào hay vẽ ra đường hướng để giải quyết vấn đề biên giới. Điều đó một lần nữa lại nhấn mạnh bản chất “nan y” của tranh chấp biên giới Trung – Ấn.
Cuộc họp Menon – Khiết Trì vừa qua là vòng đàm phán thứ 16 giữa “Các đại diện đặc biệt” kể từ năm 2005, năm mà Bắc Kinh và New Delhi nhất trí thảo ra nội dung cho các cuộc thương lượng về biên giới. Tuy nhiên, quá trình đó bị tắc lại ở công đoạn thông qua khung hành động trước khi hai bên tiến tới giai đoạn 3 và có thế sau đó là giai đoạn kết thúc với việc vẽ ra bản đồ biên giới và phân định biên giới trên mặt đất.
Hai bước cuối cùng không thể đạt được dễ dàng. Quan điểm của hai quốc gia về vị trí của đường biên giới còn khác nhau rất xa. Lực lượng tuần tra của cả hai bên vẫn thường xâm nhập vào lãnh thổ của nhau để khẳng định chủ quyền của mình. Cho tới nay hai nước đã tránh được xung đột nhưng hiện nay khi Ấn Độ đã vạch ra chiến lược quốc phòng của mình thì dự kiến quân đội Ấn Độ sẽ đáp trả Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cứng rắn hơn rất nhiều trong những năm tới.
Theo một quan chức quân đội Ấn Độ, thậm chí ngay trong biến cố Ladakh, quân đội Ấn Độ đã duy trì lập trường của mình và không nhân nhượng bất kỳ đòi hỏi nào từ Trung Quốc. Trung tướng KT Parnaik, lãnh đạo lực lượng quân đội ở phía bắc Ấn Độ, trả lời phỏng vấn tờ Diplomat trước khi nghỉ hưu rằng: “Căng thẳng giảm đi mà chúng tôi không hề đưa ra nhượng bộ nào. Chúng tôi không mất gì cả và không làm tổn hại gì đến nền quốc phòng của mình”.
Đây chính là điều mà Trung Quốc lo sợ - một quân đội Ấn Độ ngày càng mạnh hơn.
Trong nhiều năm, Ấn Độ đã bỏ mặc quốc phòng ở biên giới với Trung Quốc và luôn ám ảnh về kẻ thù nhỏ hơn nhưng khó hòa giải hơn, Pakistan.
Tuy nhiên, trong khoảng 7-8 năm qua, các nhà hoạch định chiến lược và quân đội Ấn Độ đã xây dựng một kế hoạch nhằm tăng cường không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn cả lực lượng quân đội để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Dự kiến trong vòng vài năm tới, Ấn Độ sẽ tăng thêm 90.000 quân, thành lập các lữ đoàn bọc thép và trung đoàn pháo binh độc lập, và tăng cường sức mạnh không quân, hải quân nhằm đối phó với bất kì cuộc xung đột quân sự nào với Trung Quốc có thể xảy ra.
Đồng thời, New Delhi vẫn sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh và đảm bảo hai bên sẽ phân định đường biên giới càng sớm càng tốt mà không nhượng bộ đề xuất của Trung Quốc rằng Ấn Độ duy trì lực lượng quân đội như mức hiện nay.
Đây là nhiệm vụ khó khăn về mặt chính trị, hành chính và quân sự nếu Ấn Độ muốn đối phó với một quân đội Trung Quốc có kiểu hiếu chiến giống như Tướng Luo nói trên.