Ấn Độ dùng Kilo "tóm sống" tàu ngầm hạt nhân của Mỹ
Theo tạp chí National Interest, tàu ngầm lớp Kilo mang tên INS Sindhudhvaj của Hải quân Ấn Độ đã “tiêu diệt” tàu USS City of Corpus Christi của Mỹ trong một cuộc diễn tập ngoài vịnh Bengal được tổ chức thường niên giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, diễn ra vào năm 2015.
Một tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ, do Nga sản xuất. |
Phía Ấn Độ cho biết, các tàu ngầm tham gia cuộc diễn tập được giao nhiệm vụ lần tìm vị trí của nhau dưới lòng biển. “Tàu Sindhudhvaj đã ghi nhận được tiếng ồn dưới biển của tàu ngầm hạt nhân, và đã xác định được vị trí tàu trước khi đưa vào hệ thống ngắm bắn. Do đây là một cuộc diễn tập, chúng tôi đã không khai hỏa”, một sĩ quan hải quân Ấn Độ cho biết. Điều này đồng nghĩa với việc tàu Mỹ có thể sẽ bị đánh chìm trong tình huống tác chiến thực tế.
Nếu tuyên bố của Ấn Độ là đúng sự thật, đây là một điểm sáng đáng kể đối với Hải quân Ấn Độ. Trong những năm gần đây, lực lượng này đã gặp rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tàu ngầm của họ đã mắc cạn, gặp hỏa hoạn và thậm chí đã bị chìm do không được đầu tư đầy đủ, cũng như sự cẩu thả và tình trạng tham nhũng. Vụ việc nghiêm trọng nhất là khi tàu INS Sindhurakshak bị chìm khi đang neo đậu tại cảng ở Mumbai sau hàng loạt vụ nổ xảy ra tại khoang chứa ngư lôi, khiến 18 người thiệt mạng.
Dù vậy, việc tàu ngâm lớp Kilo của Nga có thể đánh bại tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ không phải là điều đáng ngạc nhiên. Tàu lớp Los Angeles là một mẫu tàu đã có tuổi và đang dần được thay thế bởi tàu ngầm lớp Virginia yên tĩnh hơn. Thế nhưng, cần phải hiểu rõ rằng tàu lớp Kilo là một tàu có thể hoạt động cực kỳ yên tĩnh nhờ động cơ diesel của mình và được trang bị những loại vũ khí lợi hại.
Các tàu ngầm diesel từ lâu đã được Mỹ ví như “những lỗ đen dưới lòng biển” và là một vấn đề đối với Hải quân Mỹ. Việc tìm ra các biện pháp để đối phó với các loại tàu này là ưu tiên hàng đầu của Washington, bởi những đối thủ như Trung Quốc và Iran đều sử dụng các tàu ngầm lớp diesel.
Lý do Mỹ muốn có tàu ngầm hạt nhân là bởi chúng có thể hoạt động tầm xa, tốc độ và có độ bền cao hơn các tàu ngầm diesel. Hải quân Mỹ cần các tàu có thể hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới trong một thời gian dài, trong khi các nước nhỏ hơn chỉ cần các tàu ngầm hoạt động gần bờ.
Mặc dù tuyên bố của Ấn Độ có thể đã được phóng đại, song điều này càng cho thấy rằng Mỹ cần thay thế tàu lớp Los Angeles bằng tàu Virginia càng sớm càng tốt. Các loại tàu mới không những hoạt động yên tĩnh hơn, mà còn được trang bị thiết bị cảm biến và vũ khí hiện đại hơn. Vì vậy, chúng hiệu quả hơn nhiều so với tàu lớp Los Angeles khi đối đầu với tàu Kilo. Sự hiện diện của tàu Virginia càng quan trọng hơn, khi trong tương lai Nga sẽ có thêm nhiều tàu ngầm diesel khác như tàu lớp Amur lợi hại hơn Kilo về nhiều mặt.