Âm mưu đảo chính sẽ hàn gắn rạn nứt xã hội Thổ Nhĩ Kỳ?
Kế hoạch đảo chính đã bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đập tan một ngày sau đó, thế nhưng bạo lực giữa những người ủng hộ đảng cầm quyền và phe đối lập nổ ra khiến ít nhất 232 người thiệt mạng.
![]() |
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ phần đông vẫn còn ủng hộ chính phủ. |
Khoảng 50.000 binh lính, cảnh sát, thẩm phán, công chức và giáo viên đã bị tạm giam và bị cáo buộc có liên quan đến cuộc đảo chính. Tổng thống Erdogan cũng buộc tội giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang tị nạn ở Mỹ, là chủ mưu của âm mưu đảo chính bất thành trên.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Sputnik (Nga), ông Ahmet Berat Conkar, một nghị sĩ thuộc Đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ (AKP) cho biết chính phủ hoàn toàn có lý khi đang tiến hành truy quét những kẻ có liên quan đến vụ đảo chính.
“Một số thành phần thuộc phe Gulen đã lộ diện, song vẫn còn những kẻ vẫn đang lẩn trốn”, ông Conkar nói. “Từ lâu chúng tôi tin rằng những kẻ ủng hộ Gulen không hề có trong quân đội chính phủ. Nhưng cuối cùng chúng tôi nhận thấy phe Gulen lớn hơn nhiều so với dự tính. Chúng lan ra khắp nơi giống như một căn bệnh ung thư vậy”.
Nhà phân tích Kemal Kirisci thuộc Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) viết rằng, nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa vượt qua một bài kiểm tra lớn sau khi đập tan âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại đứng trước một vấn đề mới, đó là liệu Tổng thống Erdogan có thể hàn gắn những bất hòa trong xã hội hay không.
“Một lần nữa, đất nước lại vượt qua một cuộc đảo chính nữa. Đây là cơ hội bằng vàng để xã hội Thổ Nhĩ Kỳ hàn gắn trở lại”, ông Kirisci viết. “Tổng thống Erdogan đã làm đúng khi kêu gọi trừng trị những kẻ tham gia đảo chính, nhưng điều quan trọng nhất là ông phải đảm bảo rằng luật pháp vẫn có hiệu lực và phải thuyết phục lòng tin của người dân trong lúc khó khăn”.
Ngay khi cuộc đảo chính nổ ra, Tổng thống Erdogan đã dùng FaceTime để kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ, và hàng ngàn người đã tham gia biểu tình theo lời của ông.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phát biểu vào ngày 16/7 rằng âm mưu đảo chính ở nước này do một nhóm nhỏ những thành phần cá biệt trong quân đội và nhấn mạnh rằng chính phủ vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.