Ai sẽ giành chiến thắng nếu Tổng thống Putin can thiệp vào bầu cử Mỹ?
Tuy nhiên, nếu giả thiết tình báo Nga tham gia vào việc tiết lộ tài liệu của đảng Dân chủ là thật thì cũng có nghĩa là ông chủ Kremlin đã “để mắt” đến vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Lời cáo buộc trên đã làm nảy sinh một yếu tố mới trong chiến dịch tranh cử khó đoán của Mỹ, sau khi các thư điện tử được cho là bị một hacker người Nga đánh cắp và công bố trên WikiLeaks cho thấy sự thông đồng giữa các quan chức hàng đầu của đảng Dân chủ để ủng hộ bà Hillary Clinton thay vì đối thủ Bernie Sanders.
Hôm qua (26/7), Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã phủ nhận mọi chỉ trích rằng Nga có thể can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Khi các phóng viên hỏi về lời cáo buộc trên, ông trả lời: “Tôi không muốn phải dùng đến câu chửi tục ở đây”.
![]() |
Nga phủ nhận cáo buộc can thiệp vào bê bối rò rỉ tài liệu của đảng Dân chủ. |
Tuy nhiên, giả thiết tình báo này lại đặt ra những câu hỏi về vai trò của Moscow đối với chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng, cho dù đó là ai, cũng như việc leo thang đối đầu Đông – Tây giữa các cường quốc với những nhà lãnh đạo “máu lạnh” còn hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh và ai cũng muốn duy trì cạnh tranh vũ khí hạt nhân.
Ác cảm của Putin với phương Tây
Tiết lộ trên đã tạo ra mối bất hòa trong lòng nước Mỹ và một nền dân chủ không còn trong sạch của Washington có thể có lợi cho chiến lược chính trị nòng cốt của ông Putin, làm sứt mẻ các thể chế chính trị phương Tây cũng như khiến sức mạnh của một đất nước vốn được gọi là thế giới tự do yếu dần.
Và không thể phủ nhận, lãnh đạo Nga vẫn nuôi dưỡng sự thù hận đối với chính quyền Obama và bà Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ. Không thể chắc chắn về “bàn tay can thiệp của cựu điệp viên KGB trong vụ việc rò rỉ nói trên, tuy nhiên, động cơ của ông Putin, một mối ác cảm từ lâu với phương Tây, là điều không thể chối cãi.
Matthew Rojansky, giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson, nói về cơ quan tình báo Nga, cho biết: “Liệu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 có phải là một mục tiêu? Câu trả lời không cần suy nghĩ là có”.
Một giả thiết khác được đặt ra là Nga tiến hành vụ tấn công vào tài liệu của đảng Dân chủ để nâng điểm cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Cho dù bằng chứng có thể khẳng định vụ việc này xuất phát từ Nga, tuy nhiên cũng rất khó để xác định rõ ràng sự can thiệp cá nhân của ông Putin hay động cơ thực sự của chính phủ Moscow.
FBI đã khẳng định hôm 25/7 rằng cơ quan này đang tiến hành điều tra vụ rò rỉ tài liệu đảng Dân chủ. Các quan chức Mỹ nghi ngờ có sự nhúng tay của Nga vào đây, song Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn thận trọng khi cho rằng cần phải điều tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Quay trở lại Nga, ông Putin từ trước đến nay vẫn không hề giấu giếm ý định khiến phương Tây yếu thế của mình, ông tin rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu đã hiệp sức chống lại các lợi ích của Nga ở Georgia, Ukraine, Libya và Syria cũng như việc Moscow đang dần lấy lại thanh thế trên toàn cầu sẽ phải trả giá bằng thời kỳ đỉnh cao của phương Tây.
Việc can thiệp vào hệ thống chính trị của Mỹ, khiến Washington mất khả năng đánh giá các quốc gia khác sẽ giúp Nga đạt được mục tiêu. “Mục đích của chiến dịch tuyên truyền của Nga là cho thấy Mỹ và hệ thống chính trị của nước này đầy rẫy sự ngạo mạn và giả tạo và cũng chẳng hơn gì các nước khác. Ông Putin đang tận dụng cơ hội để “dìm” chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Mỹ, mục đích là cho thấy Washington không có đủ tư cách đạo đức”, Fiona Hill, chuyên gia của Viện Brookings, nhận định.
Hillary hay Trump, ai có lợi hơn cho Nga?
Mặc dù có ác cảm với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, song Tổng thống Putin lại bày tỏ thiện cảm hơn với ứng viên Donald Trump. Nhà tỷ phú này đã từng công khai nói những “lời có cánh” về ông Putin cũng như gửi lời cảnh báo đến châu Âu khi liên tục lặp lại những nghi ngờ về nhiệm vụ của NATO.
Arkady Ostrovsky, tác giả của cuốn sách “Phát minh của Nga”, cho rằng: “Bà Hillary và bà Merkel đại diện cho một mối đe dọa hiện hữu đối với thể chế của ông Putin. Trong khi đó, ông Trump lại không phải như vậy. Tỷ phú Trump đại diện cho một mối đe dọa tới sự ổn định của thế giới, tuy nhiên ông Putin lại có thể có lợi từ các tình huống hỗn loạn này. Tôi cho rằng ông Putin sẽ cảm thấy mình chỉ có thể chiến thắng cùng với Trump”.
![]() |
Nga cho rằng Donald Trump có nhiều nét tương đồng với cựu Thủ tướng Italy Berlusconi và sẽ hợp tác với Moscow nếu trở thành Tổng thống Mỹ. |
Thêm vào đó, một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Nga nhìn thấy những nét tương đồng giữa ứng viên đảng Cộng hòa với cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, một nhân vật không có nhiều kinh nghiệm trong các mối quan hệ ngoại giao toàn cầu nhưng lại là bậc thầy truyền thông và rất hợp tác với chính phủ Nga.
Với một nhà lãnh đạo “mê” việc đạt được các thỏa thuận như ông Putin thì rõ ràng ông chủ điện Kremlin tin rằng mình có thể có lợi hơn nếu ngồi trên bàn đàm phán với Donald Trump.
Vấn đề liên quan đến Nga sẽ tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đến đâu hiện vẫn chưa rõ. Nhưng Moscow có thể vẫn giành chiến thắng ở nhiều phương diện. Nếu tỷ phú Trump và chủ nghĩa hòa nghi đối với NATO của ông không làm chủ được Nhà Trắng thì một Hillary Clinton yếu thế là người đứng đầu đảng Dân chủ vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn cùng với một hệ thống dân chủ đã bị tổn thương cũng vẫn sẽ có lợi cho các mục đích của Moscow.
“Putin không thể tác động tới kết quả, cốt lõi của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng điều mà ông có thể làm đó là cho thấy dù cho ai trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng thì cũng không thể tốt hơn ông chủ điện Kremlin. Đây là chiến thắng lợi cả đôi đường”, bà Hill cho biết.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.