Ai cuỗm tiền của Kim Jong-un?
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh tin đồn xoay quanh việc ông Thae Yong-ho, phó đại sứ của Triều Tiên tại Mỹ đã cuỗm 58 triệu USD khi đào tẩu khỏi Triều Tiên cùng gia đình. Điều đáng nói số tiền này lại thuộc về ông Kim. Mặc dù chính phủ Hàn Quốc phủ nhận tin đồn trên nhưng theo một số nhà phân tích ông Thae chính là một trong những nhà ngoại giao nắm giữ bí mật tài chính của ông Kim.
Cũng theo tin đồn, nhiều nhà ngoại giao Triều Tiên đang làm việc tại châu Âu, đã đánh cắp chính số tiền mà ông Kim vốn dùng để nuôi tham vọng hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. |
Hồi tháng Sáu, một quan chức cấp cao thuộc tổ chức Office 39, đơn vị phụ trách báo cáo trực tiếp nguồn tiền của nhà lãnh đạo Kim được sử dụng ra sao, cũng đã biến mất cùng với con của mình sau 20 năm làm việc tại châu Âu. Theo một số tờ báo Hàn Quốc, vị quan chức này được xác định là ông Kim Myong-chol, người quản lý khoản quỹ kếch xù của nhà lãnh đạo Kim tại châu Âu. Cụ thể, khả năng ông Kim Myong-chol đã cuỗm 400 triệu USD trong một tài khoản ngân hàng bí mật của nhà lãnh đạo Kim. Song không rõ ông này rút số tiền trên bằng tiền mặt hay chuyển khoản ngân hàng dưới tên của mình.
Ngoài ra, một quan chức cấp cao tại Ngân hàng Daesung cũng đã bỏ trốn khỏi phòng làm việc tại Trung Quốc hồi năm ngoái sau khi mang theo một số tiền lớn của ông Kim.
Còn tại Singapore, một quan chức giữ 10 tỷ won trong khoản quỹ của ông Kim cũng đã “mất tích” kể từ năm 2015.
Trước đó, hồi tháng 8/2014, ông Yoon Tae-hyung, một quan chức tại Ngân hàng Daesung có chi nhánh ở Nga đã mang theo 5 triệu USD trước khi xin tị nạn ở nước thứ ba.
“Khoản tài chính bí mật của ông Kim trị giá hàng trăm tỷ won song số tiền mà các quan chức Triều Tiên đánh cắp cũng khá nhiều. Thực tế, số tiền 400 triệu USD mà ông Kim Myong-chol đánh cắp là vụ việc lớn với Bình Nhưỡng bởi số tiền này vốn được cho là nằm trong tài khoản của ngân hàng Thụy Sĩ”, tờ Korea Times dẫn lời người đứng đầu Viện Quốc tế Nghiên cứu Triều Tiên, ông An Chan-il cho hay.
Theo ông An, Triều Tiên thường giữ số tiền thu thập được từ khu vực châu Âu và châu Phi trong tài khoản ngân hàng sau đó chuyển về nước cho tới thời điểm chính phủ Thụy Sĩ đóng băng toàn bộ các tài khoản ngân hàng liên quan tới Triều Tiên hồi tháng Sáu.
Hành động của Thụy Sĩ được đưa ra cùng lúc với việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mạnh tay với Bình Nhưỡng hồi tháng Ba, nhằm cắt đứt nguồn ngoại tệ chuyển về Triều Tiên.
Theo các chuyên gia việc ngày càng nhiều giới chức cấp cao Triều Tiên đào tẩu sẽ khiến chính quyền nước này khó có thể tăng nguồn ngoại tệ trong bối cảnh Hội đồng Bảo an tăng cường trừng phạt.
“Các quan chức Triều Tiên làm việc tại nước ngoài lo sợ bị xử phạt khi không làm tròn trọng trách của mình do đó cách duy nhất là cuỗm tiền của ông Kim và đi xin tị nạn”, Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Hàn Quốc nói.
Còn theo ông Kim Yong-hyun, Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk nhận định trong tương lai, việc các khoản tài chính bí mật của ông Kim bị đánh cắp sẽ còn gia tăng. Tuy nhiên, chính quyền của ông Kim cũng sẽ có những biện pháp ngăn chặn hành động sai phạm của giới chức nước này.