Ai Cập: Tổng thống Morsi nhượng bộ sau khi quân đội cảnh cáo
Tuy nhiên theo tờ Dawn, các dấu hiệu ban đầu cho thấy sự nhượng bộ của ông Morsi chưa đủ thỏa mãn phong trào đối lập ngày càng mạnh mẽ.
Hôm qua, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã rút lại sắc lệnh gây tranh cãi và là nguyên nhân của các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ trong tuần qua. |
Ông Morsi đã hủy bỏ sắc lệnh gây tranh cãi hồi tháng trước giúp ông có thể đưa ra các quyết định mà không cần sự giám sát của tòa án, một động thái mà lực lượng đối lập mô tả là “tiếm quyền” độc tài còn ông Morsi thì lập luận rằng đó là điều cần thiết để bảo vệ các hoạt động cải cách.
Selim al-Awa, một nhà chính trị theo đạo Hồi và là cố vấn của ông Morsi cho biết một cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới sẽ được tiến hành vào ngày 15/12. Ông Awa cũng cho biết với tình hình hiện nay nếu bản dự thảo Hiến pháp mới bị bác bỏ thì sẽ có một bản Hiến pháp mới được các quan chức do nhân dân bầu chọn thảo ra chứ không phải những người do quốc hội chỉ định.
Hiện bản dự thảo Hiến pháp đang bị chỉ trích vì có thể làm suy yếu các quyền con người, quyền của phụ nữ và khiến dư luận lo ngại bản Hiến pháp sẽ bị diễn giải theo tư tưởng đạo Hồi.
Hai vấn đề then chốt của các cuộc biểu tình chống ông Morsi là sắc lệnh và cuộc trưng cầu dân ý. Trong tuần qua, các cuộc biểu tình đã chuyển hướng bạo lực và cuộc đụng độ hôm 5/12 đã khiến 7 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Lực lượng đối lập bác bỏ đề nghị của ông Morsi tiến hành đối thoại. Tuy nhiên hôm qua, trong tuyên bố đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng về Hiến pháp bắt đầu, quân đội Ai Cập lên tiếng yêu cầu hai bên đàm phán và cảnh báo nếu hai bên không đàm phán thì Ai Cập sẽ lún sâu “vào một đường hầm đen tối với những hậu quả khủng khiếp mà chúng ta không thể cho phép xảy ra”.
Sau khi tuyên bố “luôn luôn ở bên cạnh nhân dân Ai Cập và duy trì sự đoàn kết đất nước” nhưng vẫn có nhiệm vụ bảo vệ các thể chế chính quyền, quân đội Ai Cập yêu cầu có một giải pháp dựa trên “các nguyên tắc dân chủ”.
Động thái nhượng bộ của ông Morsi cho thấy ông sẵn sàng cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu lực lượng đối lập có tiếp tục giữ thái độ cứng rắn và yêu cầu hủy bỏ trưng cầu dân ý cho dự thảo Hiến pháp hay không.