Ai cần kiêng cua bể?
Cua bể tuy ngon nhưng không phải người nào cũng ăn được. Mặc dù ai cũng biết rằng cua biển có chất thịt mịn, mùi vị tươi ngon, thuộc vào loại hàng thủy sản cao cấp. Thành phần dinh dưỡng chứa trong cua bể rất phong phú, hàm lượng protein rất cao so với thịt lợn hay cá. Ngoài ra canxi, photpho, sắt và các vitamin như vitamin A... cũng chiếm hàm lượng cao.
Do đó những người bị cảm gió, sốt, hay mắc bệnh về dạ dày, tiêu chảy thì không nên ăn vì nếu ăn làm cho bệnh nặng thêm. Những người bị tăng huyết áp hay bệnh động mạch vành, xơ cứng động mạch cần chú ý ăn ít gạch cua để tránh làm tăng cholesterol trong máu. Ngay cả những người tỳ vị hư hàn cũng không nên ăn nhiều hoặc không ăn để tránh tình trạng đau bụng gây tiêu chảy.
Tuy nhiên cua bể lại thích hợp với những người bị vị nhiệt gây đau vàng da hay người bị bứt rứt mất ngủ, đái ra máu... Để có thể áp dụng cho các trường hợp này có những món ăn có tác dụng chữa trị hiệu quả. Dưới đây xin giới thiệu cụ thể như sau:
Trường hợp vị nhiệt gây đau vàng da: Dùng cua bể rửa sạch cho vào nồi, đổ nước rồi đun to lửa đến sôi, sau hạ nhỏ lửa và đun tiếp 40-50 phút nữa vớt cua ra lấy nước cua. Chia ra uống làm 2-3 lần trong ngày, mỗi lần uống 50g.
Chữa bứt rứt mất ngủ, đái ra máu: Lấy gạo tẻ 50g, cua bể 2 con, ngó sen 30g, đỗ trọng 3g, gia vị vừa đủ. Thoạt tiên vo sạch gạo, cho nước gấp mấy lần gạo vào ngâm, ngó sen bỏ vỏ thái thành sợi dài 3cm, ngâm với lượng nước gấp đôi. Cua bể rửa sạch bóc gỡ mai, chân, càng và lấy gạch cua ra. Phần mình cua đem cắt thành 8 phần bằng nhau.
Cho vào nồi 3 thìa dầu đầy, đun nóng lên rồi cho mai, chân càng, hành, gừng vào đảo cho thơm. Khi thấy bốc mùi thơm thì cho vào 15 cốc nước cùng đỗ trọng, đậy nắp đun lửa vừa trong 40 phút thì gạn lấy nước và đổ gạo và ngó sen đã để ráo nước, nước cua đã lọc vào, đậy nắp đun sôi, hạ lửa nhỏ riu riu trong một giờ, khi sắp chín mới cho cua đã cắt miếng vào, nêm vừa mắm muối để một chốc nữa là mang ra ăn. Mỗi ngày ăn một lần, cân ăn vài ngày liền.
BS. Hoàng Xuân Đại/Nguồn SKĐS