Ả Rập Xê-út sẽ dùng vị thế thống trị dầu mỏ để ngăn Nga hỗ trợ Syria?
Ả Rập Xê-út và Nga đã có nhiều cuộc thảo luận trong nhiều tháng qua nhưng vẫn chưa đạt được kết quả nào đáng kể. Các quan chức Ả Rập cho rằng họ có thể giúp ông Putin bằng cách giảm sản lượng khai thác dầu để đẩy giá dầu lên.
Các quan chức Ả Rập đã từng phát biểu công khai rằng, giá dầu chỉ phản ánh cung và cầu thị trường và họ luôn khẳng định rằng Ả Rập Xê-út sẽ không cho phép các vấn đề địa chính trị tác động đến các lợi ích kinh tế của nước này. Tuy nhiên, họ cũng tin rằng, Ả Rập Xê-út có thể đạt được những lợi ích ngoại giao bằng cách dùng giá dầu, bao gồm cơ hội thỏa thuận với Nga về việc dừng hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đang ngồi cạnh Vua Salman của Ả Rập Xê-út. |
Một nhà ngoại giao Ả Rập nói: "Nếu giá dầu có thể mang lại hòa bình cho Syria, thì tôi không thấy có lý do gì để Ả Rập Xê-út từ bỏ một thỏa thuận như vậy”.
Tuy nhiên, ông Putin thường xuyên khẳng định rằng ông thà chấp nhận những khó khăn kinh tế chứ không chịu để những áp lực bên ngoài ảnh hưởng đến các chính sách của Moscow. Điều đó đã được chứng tỏ bằng việc các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu cũng không thể ngăn Moscow ở Ukraine, và Moscow vẫn kiên quyết ủng hộ ông Assad bất chấp những áp lực từ Mỹ.
Theo một quan chức chính phủ Obama, Syria là chủ đề chính mà phái đoàn Ả Rập Xê-út mang đến Moscow hồi tháng 10/2014. Hiện vẫn chưa rõ cái chết của Vua Abdullah có tác động đến các cuộc thỏa thuận này hay không.
New York Times cho rằng, Nga là một trong những người ủng hộ kiên định nhất đối với Syria. Trong những năm qua, Nga bán nhiều thiết bị quân sự cho chính phủ Syria chống lại các lực lượng nổi dậy.
Giá dầu thế giới giảm khoảng 50% kể từ tháng 9/2014. |
Hồi tuần trước, Nga vẫn tổ chức một hội nghị ở Moscow giữa chính phủ Assad và một số nhóm đối lập Syria mặc dù nhiều nhà phân tích chi rằnng các cuộc đàm phán này sẽ không có kết quả gì đáng kể.
Chiếm tới một phần năm trữ lượng dầu mỏ của thế giới, Ả Rập Xê-út là nước đóng vai trò quan trọng nhất trong tổ chức Các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và chỉ một động thái nhỏ của nước này cũng đủ để có ảnh hưởng lớn đối với giá dầu thế giới. Việc Ả Rập Xê-út từ chối giảm sản lượng bất chấp giá dầu giảm chóng mặt đã gây ra nhiều suy đoán về mục đích của nước này. Trong khi đó, nhiều quan chức Ả Rập bóng gió rằng họ muốn giá dầu thấp để trừng phạt những nước sản xuất đá phiến, một nguồn năng lượng có thể thay thế cho dầu mỏ.
Người Ả Rập đã bắt đầu cảm thấy tác động của giá dầu sụt giảm. Ả Rập Xê-út cần giá dầu trên 100 USD để trang trải cho các chi phí liên bang bao gồm cả ngân sách cho các dự án cơ sở hạ tầng xa hoa. Với mức giá hiện nay khoảng 55 USD/thùng, Ả Rập Xê-út ước tính thâm hụt năm 2015 khoảng 39 tỷ USD.
Giá dầu sẽ buộc được Nga dừng hỗ trợ cho Syria. |
Tuy nhiên, với nguồn dự trữ dầu và tài sản tích lũy khổng lồ trước đó, Ả Rập Xê-út có được một điểm tựa lớn hơn nhiều so với các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác.
Nước này có khoảng 733 tỷ USD tiền đầu tư vào các tài sản rủi ro thấp ở nước ngoài, và có đủ khả năng để chịu giá dầu thấp trong nhiều năm mà không bị nhiều tổn hại. Nga và Iran không có được khả năng đó, và bất kì nhà sản xuất đá phiến nào ở Bắc Mỹ cũng không có được điều đó.
Trước đây, Ả Rập Xê-út đã dùng những cám dỗ kinh tế để buộc các nhà lãnh đạo Nga nhượng bộ về các vấn đề trong khu vực như Syria nhưng chưa bao giờ dùng đến giá dầu. Mặc dù Mỹ sẽ ủng hộ các biện pháp nhằm ngăn Nga ủng hộ ông Assad nhưng việc Ả Rập Xê-út cắt giảm sản lượng và tăng giá dầu thế giới cũng có thể làm tổn thương nhiều bộ phận của nền kinh tế Mỹ.
Sau cuộc họp giữa Hoàng tử Saud al-Faisal, Ngoại trưởng Ả Rập và Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov tại Moscow hồi tháng 11/2014, ông Lavrov bác bỏ ý tưởng rằng chính trị quốc tế nên có ảnh hưởng đối với giá dầu.
Ông nói: "Thị trường dầu nên dựa trên sự cân bằng giữa nguồn cung và cầu và nó không nên bị ảnh hưởng bởi bất kì nỗ lực mang mục đích chính trị hay địa chính trị nào”.
Nhiều chuyên gia về Nga không tin ông Putin sẽ chấp nhận bất kì thỏa thuận nào bao gồm cả việc hỗ trợ cho ông Assad để đổi lấy giá dầu.
Angela E. Stent, một chuyên gia Nga tại trường Ngoại giao Georgetown và một cựu sĩ quan tình báo quốc gia cao cấp cho rằng: "Đó sẽ là một sự thay đổi rất lớn, và với tôi, đây là một kịch bản không thể xảy ra".
Bất kỳ động thái giảm hỗ trợ nào của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đều có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự ồn ào gần đây trên thị trường dầu mỏ có tác động đến chính trị toàn cầu.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ tờ The New York Times. Đây là một nhật báo trực thuộc Công ty New York Times, được phong tặng tên hiệu "Bà tóc bạc" ("Gray Lady") và được xem là tờ báo danh giá (newspaper of record) và quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.