8 lực lượng đặc nhiệm lừng danh nhất thế giới
Họ xuất hiện ở những nơi mà binh sĩ thường không dám tiến vào, dò tìm những mối đe dọa tiềm tàng, tiêu diệt các mục tiêu chiến lược và thực hiện những nhiệm vụ giải cứu nguy hiểm. Họ được coi là những người giỏi nhất.
Mặc dù rất khó để so sánh các lực lượng đặc nhiệm với nhau, một số đơn vị có những thành tích đặc biệt và gây ra sự sợ hãi trong lòng đối phương. Những người lính này đã trải qua những buổi tập huấn gian khổ, nhằm loại ra những người không đạt tiêu chuẩn.
Trong một thế giới mà độ lớn của quân đội một nước không còn là tiêu chí đánh giá sức mạnh nữa, những đặc công này luôn nhận được sự tin cậy của quốc gia và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.
Lực lương đặc nhiệm SSG của Pakistan, còn có tên gọi là “Cò Đen” bởi loại mũ chống đạn đặc trưng của họ, đã từng xông vào một tòa nhà văn phòng và giải cứu 39 con tin khỏi tay phiến quân Taliban sau khi chúng đã tấn công tổng hành dinh quân đội Pakistan. |
Lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Tây Ban Nha (UOE), là một trong những đơn vị nổi tiếng nhất châu Âu. Để trở thành một binh lính mũ nồi xanh của UOE, một kỳ kiểm tra gắt gao được tổ chức. Tỉ lệ trượt của lực lượng này trung bình nằm trong khoảng 70 - 80%, và có đợt họ không tìm được người mới. |
Biệt đội Alpha của Nga là một trong những lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng trên thế giới. Đơn vị chống khủng bố này được thành lập bởi cơ quan tình báo Liên Xô KGB vào năm 1974 và nay thuộc sự kiểm soát của Cơ quan An ninh Liên Bang Nga FSB. |
Có rất ít đơn vị chống khủng bố trên thế giới có thể so sánh được với lực lượng đặc nhiệm GIGN của Pháp. Đơn vị này gồm 200 người và chuyên được đào tạo để giải cứu con tin. Một trong những chiến công đáng nể nhất là chiến dịch giành lại Thánh địa Mecca vào năm 1979, khi 3 thành viên lực lượng đã cải sang đạo Hồi để thâm nhập, và giúp quân đội Ả Rập Xê út giành lại Thánh địa. |
Biệt đội Sayeret Matkal của Israel là một trong những lực lượng nổi tiếng của thế giới. Nhiệm vụ chính của họ là thu thập thông tin tình báo ở sâu trong vùng địch. Trong trại huấn luyện, những người lính sẽ phải trải qua một bài huấn luyện khó khăn dưới sự giám sát của các bác sĩ tâm lý, và chỉ có người giỏi nhất mới được chọn. |
Lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh có khẩu hiệu “Kẻ nào dám làm sẽ chiến thắng”. Tướng Mỹ Stanley McChrystal đã từng nhận xét về vai trò của SAS trong Chiến tranh Iraq một cách rất ngắn gọn như sau: “Rất quan trọng. Không có họ chúng tôi sẽ không thể giành chiến thắng”. |
Nước Anh còn có đơn vị đặc nhiệm hải quân riêng, có tên là SBS. Quá trình tuyển chọn bao gồm một kỳ kiểm tra thể lực gặt gao, huấn luyện trong rừng rậm nhiệt đới ở Belize và huấn luyện sống sót trong chiến đấu, trong đó các ứng viên cũng phải trải qua một buổi thẩm vấn nặng nề. Mỗi binh lính chỉ có 2 lần tham gia thi thử vào lực lượng này. |
Biệt đội Navy SEALS của Mỹ còn nguy hiểm hơn cả Lực lượng Thủy quân Lục chiến. Để gia nhập, người lính phải chống đẩy ít nhất 42 lần trong 2 phút, 50 lần tập đứng lên ngồi xuống trong 2 phút và chạy hơn 3km trong vòng 11 phút. Buổi huấn luyện của lực lượng này còn khó hơn thế rất nhiều. |
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…