7 thay đổi về SHK điện tử các gia đình cần biết
Bước chuyển của cuộc sống số
Từ ngày 1/7/2021 khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực chính thức đã không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu (SHK) cho người dân và từ 1/1/2023 sắp tới đây SHK giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức bị xóa sổ. Công cuộc chuyển đổi số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống, trong đó thủ tục hành chính đang được số hóa triệt để và được tiến hành trước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân.
Vậy SHK điện tử là gì? Cách tra cứu số SHK điện tử? Lợi ích của việc số hóa hộ khẩu từ 2023 sẽ như thế nào? Để hỗ trợ người dân về vấn đề này, ngày 22/12/2022, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú, trong đó có quy định từ ngày 1/1/2023 SHK, sổ tạm trú giấy đã được cấp sẽ bị khai tử, hết giá trị. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Khoản 4 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 yêu cầu Chính phủ, bộ và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này.
Liên quan đến việc này, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để thực hiện hiệu quả, thống nhất yêu cầu số hóa SHK, điều kiện “tiên quyết” là phải hoàn thành hai nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan đến SHK, sổ tạm trú; bổ sung hoặc ban hành mới các quy định liên quan cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú. Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành, tận dụng triệt để CSDL quốc gia về dân cư.
Theo đại diện Bộ Công an, để triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Cư trú, Bộ Công an đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều nội dung. Đáng chú ý nhất là việc tổ chức thu thập, cập nhật hơn 100 triệu dữ liệu dân cư (dữ liệu đã được “làm sạch” hơn 96%); thực hiện cấp hơn 70,2 triệu CCCD gắn chip; triển khai ứng dụng VNeID, đẩy nhanh quá trình định danh điện tử. Trong đó việc vận hành khai thác CSDL quốc gia về dân cư từ 1/7/2021; chính thức kết nối, chia sẻ thông tin với các CSDL của các bộ, ngành để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin công dân... chính là cách để cách để người dân không bị bỡ ngỡ trước thay đổi này.
Hoàn thành sứ mệnh lịch sử
Lược lại lịch sử, hình thức quản lý hộ khẩu có từ 3.000 năm trước, được người Trung Quốc đưa ra dưới thời nhà Thương. Mục tiêu ban đầu của quản lý hộ khẩu (hộ tịch) là quản lý nhân khẩu (đếm dân) dùng cho việc thu thuế nuôi dưỡng bộ máy chính quyền và đăng lính phục vụ những cuộc chiến tranh, xây dựng các công trình quân sự, thủy lợi, giao thông… Hình thức gọi tên SHK và cách quản lý nhân khẩu như kiểu Trung Quốc được nhiều nước ở châu Á bắt chước trong đó có Việt Nam. Các nước phương Tây cũng quản lý công dân tương tự, nhưng không dùng tên SHK mà theo mã số công dân định danh/căn cước hay thẻ cư trú...
Riêng tại Việt Nam, SHK giấy vừa chính thức khai tử được áp dụng chính thức từ ngày 27/6/1964. Đến tháng 7/1988 điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu được tiếp tục sửa đổi và quản lý sâu hơn tới từng đơn vị hành chính cấp xã. Tới năm 1997, việc đăng ký và quản lý hộ khẩu lại được bổ sung, mỗi hộ gia đình có một SHK gia đình. Đến tháng 7/2007, Luật Cư trú 2006 có hiệu lực, lúc này SHK được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân có thêm mục xác định nơi thường trú của công dân. Đến ngày 30/7/2017, Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ ra đời đã đồng ý về việc bỏ SHK giấy. Và từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực đi đến thống nhất, từ đầu năm 2023 sẽ chính thức bỏ SHK giấy, quản lý cư trú hoàn toàn bằng CSDL quốc gia.
Nhìn lại vai trò và sứ mệnh của SHK qua các thời kì dễ thấy, SHK đã làm rất tốt vai trò chứng thực khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính như: Làm CMND/CCCD, khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, sổ đỏ…; Xác nhận tình trạng hôn nhân, sơ yếu lý lịch, giấy ủy quyền/ủy nhiệm, hợp đồng thế chấp/vay ngân hàng… Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang chuyển đổi số mạnh mẽ, SHK giấy được khai tử, việc quản lý hộ tịch được thay thế bằng hình thức mới là việc làm cần thiết; là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0 hiện nay.
*7 thay đổi/ phương thức tra cứu thông tin cần biết:
-Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến thông qua CSDL quốc gia về dân cư.
-Sử dụng CCCD gắn chip có chứa thông tin cá nhân, nơi thường trú, tạm trú…
-Sử dụng thiết bị đọc mã QR code trên CCCD gắn chip để tra cứu thông tin cá nhân.
- Sử dụng thiết bị đọc chip trên CCCD gắn chip để tra cứu thông tin cá nhân.
-Sử dụng thông tin tài khoản định danh trên ứng dụng VNeID (mức 2).
-Công dân nếu cần xác nhận nơi cư trú có thể qua 2 cách: Đến trực tếp cơ quan quản lý cư trú (công an phường) hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia.
-Sử dụng trực tiếp mã số định danh cá nhân và thông tin tra cứu trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Như vậy, SHK giấy gắn bó với các gia đình suốt 60 năm qua đã đến hồi cáo chung. Các hộ gia đình hiện nay nếu cần làm các thủ tục hành chính sẽ được điện tử hóa trên các ứng dụng 4.0, qua đó đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số toàn diện và thiết thực tới từng cá nhân/hộ gia đình.
Nam Phương