7 lần khám thai định kỳ mẹ bầu nào cũng phải biết
Bác sĩ CK II Trần Văn Hùng - chia sẻ về việc nên khám thai định kỳ. |
Trường hợp chị Vũ Thị Anh – 28 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội mang thai ở tuần thứ 17. Bác sĩ khuyên chị Anh nên bỏ thai vì em bé của chị bị dị tật hở hàm ếch và dị tật ống thần kinh.
Chị Anh kể vì cưới nhau hơn 1 năm chị mới mang thai nên khi mang thai chị chỉ đi siêu âm lúc thai được 9 tuần, bác sĩ báo có tim thai và hẹn 3 tuần sau siêu âm lại.
Tuy nhiên, gia đình không đồng ý cho siêu âm nhiều vì sợ ảnh hưởng đến em bé. Chị Anh cũng không đi siêu âm. Mang bầu, chị không bị nghén vẫn ăn uống đủ nên cứ ung dung chờ ngày thai lớn.
Đến tuần thứ 15, chị Anh và chồng hồi hộp muốn biết giới tính của con nên đã đến một phòng khám siêu âm thai ở Hà Đông, Hà Nội siêu âm. Chị chết điếng khi bác sĩ thông báo bé trong bụng chị không ổn có dị tật hở hàm ếch kèm theo dị tật ống thần kinh.
Chị Anh không tin vào tai mình. Vợ chồng chị lập tức lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kiểm tra và kết quả sau 2 lần kiểm tra và hội chẩn bác sĩ khuyên chị nên đình chỉ thai nghén.
Bác sĩ CK II Trần Văn Hùng – nguyên giảng viên bộ môn Sản trường Đại học Y Hà Nội – Bệnh viện Đa khoa An Việt cho rằng quan niệm siêu âm thai nguy hiểm cho em bé là sai lầm. Việc thăm khám và siêu âm thai định kỳ giúp bác sĩ có thể tìm được dị tật cho bé và quản lý thai kỳ giúp bà mẹ và em bé được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Theo bác sĩ Hùng, những giai đoạn quan trọng nhất để khám thai dành cho bà bầu.
Lần 1: Khi thấy chậm kinh một tuần, hoặc khi thử que thử thai bằng nước tiểu thấy hai vạch hãy đến bệnh viện ngay. Bạn rất cần phải khám thai sớm ngay từ thời điểm này để xác định thai đã vào trong buồng tử cung hay ở ngoài tử cung để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Lần 2: Khi thai được 7 – 8 tuần tuổi, để khám siêu âm xác định tim thai, kích thước túi ối, chiều dài phôi để xác định thai có phát triển tương xứng với tuổi thai để được tư vấn và điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp. Làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng máu thời kỳ đầu của thai nghén.
Lần 3: Thai đến tuần 12-13, bạn phải đến khám và Siêu âm 4 chiều để đo khoảng sáng sau gáy (độ mờ da gáy) nhằm dự đoán dị tật thai nhi do một số bất thường nhiễm sắc thể gây ra. Nếu qua 14 tuần, chỉ số này sẽ không còn giá trị (chính xác) nữa. Xét nghiệm Double test nếu cần.
Lần 4: Thai từ 14 – 17 tuần cần xét nghiệm sàng lọc Triple test để dự đoán nguy cơ bị Down và dị dạng nhiễm sắc thể của thai. Triple test không có giá trị chẩn đoán chính xác mà chỉ dự đoán nguy cơ, nếu kết quả xét nghiệm có nguy cơ cao thai phụ cần được chọc ối làm nhiễm sắc đồ để chẩn đoán chính xác bệnh Down và các bệnh về di truyền khác. Đồng thời tiếp tục theo dõi bằng siêu âm để phát hiện các dị dạng về hình thái thai nhi.
Lần 5: Khi thai đến tuần 20 – 22 bạn phải đến khám, và làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra HIV, viêm gan B, nhóm máu, yếu tố Rh, lượng đạm trong nước tiểu…. Và siêu âm 4 chiều để đánh giá hình thái học của thai nhi, lúc này giới tính của thai nhi đã rất rõ ràng.
Lần thứ 6: Khi thai ở tuần thứ 32 bạn phải đến khám tổng quát cho mẹ. Siêu âm 4 chiều để phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim và não, kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi. Làm xét nghiệm máu cơ bản để đánh giá giai đoạn sau của thai nghén.
Lần thứ 7: Khi thai ở khoảng 35 – 36 tuần bạn cần được khám, siêu âm đánh giá trọng lượng thai, tình trạng bánh rau, nước ối, dây rau… Nếu phát hiện có những bất thường sẽ chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để thăm dò và chuẩn đoán sâu hơn.