7 ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, Hà Nội có cần siết lại các nới lỏng?
Chỉ trong chưa đầy 12h Hà Nội ghi nhận 7 ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Vậy Hà Nội có nên siết lại một số dịch vụ, hoạt động mới được cho phép hay không ?
Ảnh minh hoạ |
Sau nhiều ngày Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, chỉ trong vòng chưa đầy 12h (từ chiều 30/9 đến sáng 1/10), Hà Nội ghi nhận 7 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Các ca bệnh xuất hiện tại bệnh viện Việt Đức, quán cơm số 77 Phủ Doãn (cạnh bệnh viện Việt Đức) và tại một số cơ quan doanh nghiệp nằm rải rác tại các quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm. Trong số này có tới 6 người có biểu hiện ho, sốt tự đi khám sàng lọc phát hiện dương tính với SARS- CoV- 2.
Câu hỏi được đặt ra là với những ca bệnh mới được phát hiện trong cộng đồng, Hà Nội đã thực sự an toàn, có nên xem xét việc siết lại một số dịch vụ mới được mở cửa trở lại hay không?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định ngay đã từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ xuất hiện những ca mắc Covid- 19 trong cộng đồng ở Hà Nội vẫn còn.
“Những trường hợp mới được phát hiện đều là những người có lịch sử đi lại nhiều là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trong bệnh viện, nhân viên giao nhận hàng, chăm sóc khách hàng…
Đây vẫn nằm trong dự báo vì không thể trở về “zero Covid-19” được. Ngoài cộng đồng vẫn còn nên người dân đừng chủ quan. Đặc biệt khối bệnh viện cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi vẫn còn tình trạng người dân đi lại, chăm sóc người bệnh”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Nhiệm vụ cần triển khai lúc này nhằm ngăn dịch bùng phát theo ông Phu là phải tăng cường giám sát những đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên siêu thị, chuỗi cung ứng, nhân viên giao hàng, người bán hàng online… Đây là nhóm những đối tượng dễ lây nhiễm nhất. Đặc biệt hàng ngày phải xét nghiệm tất cả các trường hợp ho, sốt, có dấu hiệu dịch tễ nghi ngờ. Ngoài ra ở những vùng nguy cơ cũng cần được tăng cường xét nghiệm, giám sát.
Hiện có tâm lý chủ quan của không ít người dân khi nghĩ rằng những ngày qua số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội giảm đáng kể, có ngày không ghi nhận ca mắc mới, tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 khá cao.
Nhấn mạnh điều này là “hết sức nguy hiểm” bởi theo PGS. TS Trần Đắc Phu việc tiêm phòng không giảm triệt để sự lây nhiễm, người đã tiêm phòng vẫn có thể bị nhiễm và truyền bệnh cho người khác. Tuy vậy đa số người được tiêm vắc xin khi bị nhiễm thường không có hoặc có triệu chứng nhưng thường nhẹ và không bị tử vong.
“Trong khi đó người mới tiêm 1 mũi cũng chưa đủ miễn dịch. Đặc biệt, vắc xin không giảm lây nhiễm, nghĩa là dù có tiêm đủ 2 mũi vắc xin bạn vẫn có thể mắc và lây cho người khác. Hơn nữa, Hà Nội vẫn còn nhiều người từ tỉnh khác trở về chưa được tiêm vắc xin.
Do đó, cần phải cảnh giác. Đừng nghĩ tiêm vắc xin rồi là không bị bệnh nữa, việc tuân thủ 5K là để giữ cho bản thân và những người chưa được tiêm chủng trong đó có số lượng lớn trẻ em”, ông Phu nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi Hà Nội có cần cân nhắc điều chỉnh lại hoạt động các dịch vụ mới cho phép mở cửa trở lại hay không, ông Phu cho rằng “từ từ” để đánh giá nguy cơ ở ổ dịch (khu vực BV Việt Đức, phố Phủ Doãn – PV).
“Theo tôi không nên vội vàng đóng lại. Trước mắt là đẩy mạnh ý thức phòng dịch của người dân- cái gì cho hoạt động cứ tiếp tục duy trì, cái gì đang cấm thì tiếp tục cân nhắc có mở tiếp hay không thôi mà chưa cần phải đóng lại”, ông Phu kiến nghị.
Được hỏi về tình trạng người dân đi tập thể dục rất đông nơi công viên, vườn hoa. Vị chuyên gia này nói: Đây là hoạt động ngoài trời, trước đây chỉ vì sợ tụ tập khi đi tập thể dục nên Hà Nội không cho phép hoạt động này. Nhưng nhu cầu đi tập thể dục là cần thiết và chính đáng nên vừa rồi đã cho phép, song để tránh lây nhiễm trong quá trình này, theo ông Phu người dân cần tuân thủ 5K trong đó có giãn cách.
“Đừng tụm năm, tụm ba. Trong trường hợp địa điểm tập ở ngoài trời quá đông người thì người dân nên tự bảo vệ mình bằng cách tránh đến nơi đông người, đi lệch múi giờ, không ngồi ghế đá nói chuyện, không tụm năm tụm ba ngồi uống nước chè... Quan trọng nhất lúc này là ý thức phòng dịch của người dân”, ông Phu khuyến cáo.
Hà Nội tiếp tục tìm người đến BV Việt Đức từ ngày 15- 30/9 |
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 30/9 địa phương này ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mới tại cộng đồng là người nhà chăm bệnh nhân tại BV Việt Đức và một nhân viên phục vụ quán cơm tại 77 Phủ Doãn. Truy vết hai bệnh nhân này xác định 101 người có tiếp xúc gần (F1).
Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm từ chiều qua đã phải xuyên đêm lấy mẫu cho hơn 1.4000 người có liên quan tại các khu vực này.
Đến sáng nay (1/10), Hà Nội lại tiếp tục ghi nhận thêm 5 ca mới ngoài cộng đồng trong đó có 3 người nước ngoài. Các ca bệnh này đều có biểu hiện ho sốt tự đi khám sàng lọc thì phát hiện dương tính.
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân trên địa bàn khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác/khứu giác cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
N. Huyền