Thị trường sụt giảm mạnh, các công ty chứng khoán có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, chỉ số VN-Index giảm rất mạnh, đã xuyên thủng vùng đáy ngắn hạn 1.150 điểm. Trong khi giá cổ phiếu của hàng loạt nhóm ngành giảm mạnh như bất động sản, dầu khí, nguyên vật liệu, ngân hàng, tài chính... thì tại phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán đều bất tăng trở lại, trong đó SSI tăng mạnh nhất với biên độ 2,6%. Sắc xanh cũng quay trở lại với VND, VCI, MBS, CTS, FTS,..
Nhìn lại trong 3 năm gần đây cho thấy các công ty chứng khoán tại Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh mẽ nhờ vào sự tăng trưởng không ngừng về số tài khoản mở mới của các nhà đầu tư cá nhân.
Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ nhà đầu tư, các công ty chứng khoán đã tăng quy mô vốn chủ sở hữu cũng như vốn nợ qua cả vay tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế.
Theo nhận định của FiinRatings, triển vọng dài hạn của ngành dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ vào tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tham gia thấp của nhà đầu tư trên tổng dân số cũng như quy mô thị trường vốn được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hiện bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất lợi trong đó có diễn biến đi ngang của VN-Index, thanh khoản sụt giảm cũng như các chính sách kiểm soát nguồn vốn tín dụng cho hoạt động kinh doanh chứng khoán và liên quan như cho vay margin.
Hiện cả nước có 68 công ty chứng khoán (CTCK) đang hoạt động với quy mô tổng tài sản đạt 383 nghìn tỷ đồng và quy mô vốn chủ sở hữu đạt 178 nghìn tỷ đồng vào 30/6/2022.
Quy mô vốn chủ sở hữu này đã tăng ở mức 3,17 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và hệ số đòn bẩy (Tổng tài sản/Vốn chủ sở hữu) ở mức 2,2 lần vào giữa năm 2022.
Mặc dù quy mô cho vay margin đã giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên, FiinRatings đánh giá mức độ đòn bẩy cơ bản vẫn ở ngưỡng khá an toàn trên góc nhìn toàn ngành, mặc dù có nhiều công ty có mức độ đòn bẩy cao hơn.
Điều này có được nhờ các CTCK hiện nay đã đa dạng hóa mô hình thu nhập bao gồm tự doanh/đầu tư, môi giới, cho vay ký quỹ và tư vấn tài chính/phát hành.
Theo thống kê tại thời điểm tháng 6/2022, doanh thu từ phí môi giới chiếm tỷ lệ 26% doanh thu của các CTCK, giảm 2% so với cuối năm 2021. Doanh thu từ cho vay margin cũng đóng góp vào 26% tổng doanh thu của các CTCK, tăng 6% so với cuối năm 2021, trong khi tỷ trọng doanh thu từ tự doanh/đầu tư dù đã giảm 5% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu thu nhập của toàn ngành, đạt trên 40% trong 6 tháng đầu năm nay.
Điều này cho thấy một số công ty có tỷ trọng thu nhập từ tự doanh lớn, ở mức độ thường xuyên trên 60% tổng thu nhập sẽ chịu sự tác động lớn của diễn biến suy giảm của VN-Index trong thời gian vừa qua.
Theo FiinRatings, các CTCK sẽ phải đối mặt với 5 yếu tố rủi ro chính, bao gồm: Rủi ro thanh khoản; rủi ro từ danh mục tự doanh; rủi ro từ việc kiểm soát rủi ro tín dụng; rủi ro lãi suất và tỷ giá; rủi ro chính sách.
Về rủi rủi ro thanh khoản, hiện thanh khoản bình quân ngày trên TTCK Việt Nam chỉ ở mức khoảng 60% so với bình quân năm 2021. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ môi giới chứng khoán cũng như rủi ro tín dụng danh mục cho vay ký quý. Theo đó có thể tác động lớn hơn đối với các CTCK cho vay ký quỹ tập trung vào các cổ phiếu nhỏ hoặc có tính đầu cơ.
Do sự suy giảm của VN-Index so với giai đoạn đầu năm 2022. Các công ty có nguồn thu lớn từ danh mục tự doanh sẽ bị ảnh hưởng, nhất là các đơn vị có tỷ lệ đóng góp thu nhập từ tự doanh chiếm hơn 50% tổng nguồn thu của CTCK. Bên cạnh đó, một số CTCK gia tăng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết và có chất lượng tín dụng chưa cao. Do đó, nhà đầu tư cần đánh giá chất lượng danh mục đầu tư cụ thể của mỗi CTCK khi thực hiện giám sát và quản trị rủi ro tín dụng cho vay.
Đối với việc kiểm soát rủi ro tín dụng, phần lớn cơ cấu vốn nợ của các CTCK là vốn ngắn hạn và rất ngắn hạn được huy động từ các TCTD. Nợ dài hạn bao gồm trái phiếu chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng cơ cấu nguồn vốn (bao gồm vốn vay và vốn chủ sở hữu) của các CTCK. Trước các biện pháp hạn chế dòng tiền vào kênh tài sản tài chính như hiện nay, điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên thanh khoản của một số CTCK yếu.
Về rủi ro lãi suất và tỷ giá, lãi suất đầu vào đang gia tăng, trong khi đó các CTCK có hạn mức tín dụng từ các ngân hàng thường có tính chất thả nổi. Do đó, điều này sẽ góp phần làm giảm lợi nhuận từ hoạt động cho vay ký quỹ nói riêng và lợi nhuận cả năm 2022 của các CTCK.
Cuối cùng, FiinRatings đưa ra khuyến nghị về rủi ro chính sách, ví dụ Nghị định 65 vừa mới đi vào hiệu lực sẽ làm cho một số CTCK vốn có nguồn thu đáng kể từ tư vấn phát hành trái phiếu, phân phối trái phiếu và kinh doanh kỳ hạn trái phiếu sẽ cần thời gian để tăng trưởng hoạt động này trở lại trong khi danh mục đầu tư trái phiếu lại có rủi ro cao hơn. Điều này một phần từ tiêu chuẩn phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp giờ chặt chẽ hơn, chẳng hạn quy định tối thiểu 2 tỷ đồng số dư bình quân 180 ngày gần nhất.
Tuân Nguyễn