5 quốc gia từng là nạn nhân trong "trò tẩy chay" của Trung Quốc
Mặc dù phía Hàn Quốc cho biết hệ thống THAAD sẽ được dùng để bảo vệ các loại tên lửa phóng từ Triều Tiên, song Trung Quốc tin rằng loại khí tài này có thể được Hàn Quốc triển khai để nhắm vào các căn cứ quân sự của mình.
Người dân Trung Quốc tổ chức biểu tình tẩy chay các mặt hàng của Hàn Quốc. |
Trung Quốc đã có rất nhiều động thái trừng phạt đối với các doanh nghiệp và người dân Hàn Quốc sau khi THAAD được bắt đầu triển khai. Cụ thể, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã buộc phải đóng cửa gần 80 cửa hàng của mình tại Trung Quốc. Người dân Trung Quốc cũng ngừng đến Hàn Quốc du lịch. Khoảng 3.300 khách Trung Quốc trên một tàu du lịch đã nhất quyết không xuống thăm đảo Jeju (Hàn Quốc) khi tàu cập bến. Các buổi hòa nhạc của các nhóm Hàn Quốc ở Trung Quốc đã bị cấm tổ chức.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tẩy chay có tổ chức một quốc gia trên thế giới. Dưới đây là 4 lần Trung Quốc đã dùng cách thức này để tấn công các nước đã khiến Bắc Kinh không hài lòng trong những năm gần đây.
Năm 2016: Mỹ
Nhiều doanh nghiệp Mỹ, ví dụ như McDonald's, đã trở thành mục tiêu tẩy chay của người Trung Quốc. |
Người dân Trung Quốc đã tổ chức biểu tình tại 11 thành phố trên toàn quốc khi họ cho rằng Mỹ đã đứng đằng sau phán quyết của tòa án quốc tế về vấn đề Biển Đông, theo đó Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử đối với phần lớn khu vực này. Người biểu tình đã đòi hai chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s và KFC phải đóng cửa rời khỏi đất nước, đồng thời họ cũng tẩy chay cả Starbucks và Apple.
Năm 2010: Na Uy
Cá hồi Na Uy từng là mặt hàng rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. |
Trung Quốc tuyên bố chính thức không nhập khẩu cá hồi từ Na Uy vào năm 2010 sau khi Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho ông Liu Xiaobo vì những hoạt động phản đối chính quyền Bắc Kinh của ông này. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết động thái tẩy chay này của Trung Quốc đã phản tác dụng khi buộc họ phải phụ thuộc vào cá hồi nhập khẩu với giá cao hơn rất nhiều và có chất lượng thấp từ các quốc gia khác.
Năm 2008: Pháp
Cảnh sát chống bạo động tập trung trước đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc. |
Người dân Trung Quốc cũng đã biểu tình tại nhiều nơi vào tháng 4/2008 nhằm kêu gọi chính phủ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Carrefour, chuỗi siêu thị của Pháp với 122 cửa hàng đang hoạt động tại Trung Quốc vào thời điểm đó. Động thái này là nhằm phản đối việc một số nhóm người ở thủ đô Paris (Pháp) đã chặn tuyến đường đưa ngọn đuốc Olympic tới Bắc Kinh để kêu gọi vùng Tây Tạng độc lập khỏi Trung Quốc.
Năm 2005: Nhật Bản
Một phụ nữ Trung Quốc giơ cao mảnh giấy mang thông điệpphản đối Nhật Bản do tranh chấp quần đỏa Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông. |
Một loạt những tranh chấp chính trị đã khiến người dân Trung Quốc đồng loạt tẩy chay các mặt hàng của Nhật Bản vào năm 2005. Người biểu tình ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều nơi khác ban đầu đã công kích chính phủ Nhât Bản, sau đó các tập đoàn như Honda, Toyota và các hãng điện tử khác của trở thành mục tiêu. Những người Trung Quốc sử dụng hàng hóa Nhật Bản đều bị chỉ trích thậm tệ hoặc bị phá hoại tài sản.