5 loại máy bay không người lái lợi nhất thế giới
Tại sao phải dùng máy bay không người lái? Mỗi nước đều có vài lý do vì sao họ muốn có máy bay không người lái (còn gọi là UAV) để tham chiến. Đứng trên quan điểm chính trị, loại máy bay này đem lại ít rủi ro hơn các loại máy bay tiêm kích thông thường.
Ngay cả những đối phương không được chuẩn bị kỹ cũng có thể bắn rơi một chiếc tiêm kích và bắt sống phi công bên trong. Giờ đây khi không cần phải có phi công điều khiển, máy bay không người lái có thể hoạt động lâu hơn máy bay thường và cho phép theo dõi tường tận những mục tiêu tiềm năng.
Một số máy bay có thể tự tiêu diệt đối phương, số khác lại hỗ trợ các chiến dịch quân sự phức tạp. Dưới đây là danh sách 5 loại máy bay không người lái lợi hại nhất mà các nước bắt đầu triển khai trong vòng một thập niên trở lại đây.
General Atomics MQ-1 Predator
Máy bay MQ-1 Predator |
Máy bay MQ-1 Predator là chiếc một trong những chiếc máy bay không người lái tấn công đầu tiên trên thế giới. Không quân Mỹ đã từng rất bực mình khi tên lửa hành trình vẫn còn chậm chạp, trong khi các chính phủ nước ngoài thường giới hạn hoạt động máy bay tiêm kích nước ngoài trong không phận của họ. Do đó, họ đã nghĩ ra một công cụ tiêu diệt nhanh, ít gây ra tiếng vang (về mặt chính trị) và ở khoảng cách xa.
Chiếc Predator xuất hiện vào những năm 1990 trong vai trò một máy bay do thám, nhưng lại đủ lớn để mang theo một quả tên lửa. Những cải tiến về băng thông mạng và tốc độ liên lạc đã giúp nó trở thành một loại khí tài do thám – tấn công và việc thử nghiệm bắn tên lửa bằng máy bay đã diễn ra lần đầu vào năm 2001.
Ban đầu, chiếc Predator có vẻ không ấn tượng. Nó chỉ có tốc độ tối đa gần 220km/h và có thể mang theo 2 quả tên lửa lớn (hoặc 6 quả tên lửa nhỏ). Thế nhưng, nó có thể bay trên không rất lâu và được trang bị các thiết bị do thám để theo dõi các mục tiêu tiềm năng trên bộ.
Chiếc Predator đã tiến hành tấn công lần đầu tiên vào tháng 2/2002 tại Afghanistan. Kể từ đó đến nay, máy bay đã thực hiện các chiến dịch không kích tại Afghanistan, Iraq, Yemen, Somalia và Pakistan. Chiếc Predator giờ đây được nhiều cơ quan an ninh của Mỹ, cũng như các lực lượng không quân của nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.
General Atomics MQ-9 Reaper
Máy bay MQ-9 Reaper. |
Chiếc máy bay Reaper có kích cỡ lớn hơn và mang những thiết bị tối tân hơn chiếc Predator. Với tầm bay xa hơn, sức chứa lớn hơn và thời gian hoạt động lâu hơn, chiếc Reaper có thể tiến hành các nhiệm vụ do thám – tấn công hiệu quả hơn người anh em của nó.
Hãng General Atomics (nhà sản xuất của cả chiếc Predator và Reaper) đã phát triển chiếc Reaper khi tiềm năng của việc thực hiện tấn công và do thám của Predator trở nên rõ rệt. Chiếc Reaper có vận tốc lên đến 485km/giờ, mang theo 4 tên lửa Hellfire (cùng thêm một vài bom Paveway) và có thể bay trong 14 giờ. Giống như Predator, nó đã thực hiện các cuộc không kích tại nhiều nước vùng Trung Đông và Trung Á.
Hoa Kỳ đã triển khai khoảng 100 chiếc Reaper của một vài cơ quan. Hy vọng có được một phiên bản trên biển đã không thành hiện thực, nhưng Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ đã sử dụng chiếc Reaper cho rất nhiều mục đích. Chiếc Reaper cũng là một loại mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng, với việc Ý, Pháp, Hà Lan và Anh đều (hoặc sẽ) sử dụng chiếc máy bay này.
IAI Eitan
Máy bay IAI Eitan. |
Được phát triển dựa trên chiếc IAI Heron, Eitan là một loại máy bay lớn, có thể mang theo nhiều đầu đạn trên một chuyến bay dài. Độ cao tối đa của máy bay rất lớn (13.700m), thời gian hoạt động dài (khoảng 17 giờ) và có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau.
Thông tin về vai trò hiện tại cũng như tương lai của Eitan vẫn còn ít, tuy nhiên điều dễ thấy nhất là Israel đã đặt rất nhiều niềm tin vào loại máy bay này. Có thể nó sẽ tiến hành do thám, theo dõi và không kích thông thường, nhưng cũng có thể còn thêm nhiều nhiệm vụ khác.
Một số người đã đưa ra hoạt động phòng chống tên lửa đối phương hoặc tiếp nhiên liệu trên không dành cho Eitan. Mục đích sử dụng Eitan của Israel hiện vẫn chưa rõ, nhưng vài nguồn tin cho thấy một chiếc máy bay loại này đã tiến hành một cuộc không kích tại Sudan năm 2009.
Một máy bay như Eitan thậm chí có thể tham gia vào một cuộc tấn công giả định vào Iran. Mặc dù Eitan không phù hợp cho việc không chiến, các máy bay khác có thể mở đường cho chúng bằng cách gây nhiễu loạn hệ thống phòng không của Iran.
Elbit Hermes 900
Máy bay Elbit Hermes 900. |
Chiếc Hermes 900 là phiên bản kế tiếp của máy bay Elbit Hermes 450, một máy bay không người lái có vũ khí mà Israel đã sử dụng kể từ giữa thập niên 2000. Với kích thước tương tự như chiếc Predator của General Atomics, Hermes 900 có thể hoạt động lâu hơn Predator gấp rưỡi và có giới hạn độ cao lớn hơn. Trong bối cảnh máy bay Israel phải tuần tra một khu vực nguy hiểm (và khi công nghệ cho các loại tên lửa phòng không vác vai vẫn chưa đủ phát triển), tầm bay cao là một cách để giữ an toàn cho máy bay.
Lực lượng Quốc phòng Israel nổi tiếng với việc giữ kín các hoạt động của máy bay không người lái, nhưng không có gì phải bàn cãi khi chiếc Hermes 900 đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc xung đột ở dải Gaza, hay hoạt động trên bầu trời của Lebanon, vùng mà Israel đang chiếm đóng và cả ở bán đảo Sinai (Ai Cập). Cũng giống như Hermes 450 và các loại máy bay khác, Hermes đã được nhiều nước nhập về. Các nước Nam Mỹ như Brazil, Chile và Colombia đều đã bày tỏ sự quan tâm đối với chiếc Hermes 900.
Raytheon TLAM Block IV Tomahawk
Tên lửa hành trình Tomahawk, được coi là một loại "máy bay cảm tử" không người lái. |
Có thể nói rằng, tên lửa hành trình thực chất là các máy bay không người lái cảm tử. Một loại tên lửa hành trình thuở ban đầu đều nhìn giống các loại máy bay điều khiển từ xa. Ví dụ, các loại bom bay do quân phát xít Đức điều khiển đã khiến cả vùng biển Địa Trung Hải khiếp sợ được điều khiển bằng cần gạt và máy quay. Tên lửa hành trình thời Chiến tranh Lạnh truy tìm các mục tiêu đã định dựa trên kế hoạch đã đặt trước hoặc bằng cảm biến trong, khiến chúng có phần máy móc hơn các máy bay không người lái hiện đại.
Vào những năm 1980, Tomahawk ban đầu được thiết kế là một loại tên lửa hành trình chậm nhưng có tầm xa, với nhiều phụ kiện dành cho việc lắp đặt đầu đạn hạt nhân, tấn công trên bộ và tiêu diệt tàu chiến. Kể từ đó, Tomahawk đã được cải tiến và trở thành một loại khí tài rất tinh vi. Nó vẫn thực hiện tấn công cảm tử, tuy nhiên việc thiết kế lại và nâng cấp hệ thống máy tính đã thay đổi loại tên lửa lợi hại này.
Tomahawk giờ đây có thể bay lâu hơn, tấn công các mục tiêu di chuyển và thay đổi mục tiêu tùy ý người điều khiển. Mới đây, Hải quân Mỹ đã thực hiện lại các nhiệm vụ tiêu diệt tàu chiến (khi tên lửa thông thường đã không còn được sử dụng cho việc này trong những năm 1990) bằng cách chứng minh một máy bay F/A-18 có thể điều hướng tên lửa đến mục tiêu của mình.
Hải quân Mỹ dự đoán, việc sản xuất Tomahawk sẽ kết thúc vào năm 2016. Tuy vậy, chúng ta sẽ còn thấy loại máy bay không người lái này sẽ tiếp tục “tự sát” trong nhiều trường hợp tác chiến phức tạp trong vài thập niên sắp tới.
Kết luận
Máy bay UAV giờ đây không còn như trước nữa. Vốn được thiết kế là một loại khí tài có thể khiến các nước né tránh trách nhiệm, giờ đây sự xuất hiện của máy bay này gây ra nhiều tranh cãi hơn là một cuộc không kích với máy bay thường.
Dù vậy, trong tương lai, rất có thể các nước sẽ chế tạo ra nhiều loại máy bay không người lái tối tân, ngày càng làm tốt hơn những gì máy bay hiện nay đang làm (bám trụ tại một khu vực và đợi đến khi các mục tiêu xuất hiện) và những gì máy bay chưa thể làm được (ví dụ như bắn hạ một phi cơ tiêm kích). Thực tế, ngày mà máy bay không người lái có thể chiến thắng tỏng một trận không chiến (trước mắt là với một UAV khác) có thể sẽ không còn xa nữa.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.