5 khẩu súng "chết người" nhất của chiến tranh hiện đại
Trong 100 năm trở lại đây, người ta đã thấy nhiều bước nhảy vọt của chiến tranh hiện đại, khi sự cạnh tranh giữa các nước đã sản sinh ra nhiều loại vũ khí chết người. Máy bay, tên lửa, xe tăng, tàu ngầm và những phát minh khác (nhiều loại khí tài còn không hề tồn tại vào năm 1914) đã nhanh chóng chiếm được vị trí của mình trong hệ thống quân sự các nước.
Thế nhưng, một trong những phát minh vẫn còn giữ được vị trí quan trong trên chiến trường, dù đã được sáng chế từ hơn 500 năm trước, đó là vũ khí dành cho bộ binh. Cho dù lực lượng vũ trang có trở nên hiện đại đến đâu đi chăng nữa, kể từ sau Thế chiến II, chiến trận luôn có sự tham gia của bộ binh.
Nhà sử học T.R.Fehrenbach đã viết trong một cuốn sách về chiến tranh Triều Tiên rằng: “Anh có thể bay liên tục qua một vùng đất, anh có thể đánh bom nó, san bằng nó, nghiền nát nó và quét sạch mọi sự sống, nhưng nếu anh muốn phòng thủ nó, bảo vệ nó và gìn giữ cho muôn đời sau, anh phải chiến đấu trên bộ, theo cách mà đội quân La Mã cổ đại đã làm, bằng cách đưa thanh niên ra chiến tuyến”.
AK-47
AK-47, súng trường tấn công đầu tiên của thế giới. |
Loại súng mà người ta gọi là vua của chiến trường hiện đại là khẩu súng trường tấn công tự động Kalashnikova mẫu 47, hay gọi tắt là AK-47.
Với độ tin cậy cao, khẩu AK-47 được thấy ở nhiều chiến trường ở Thế giới Thứ ba. Từ nhạc Rap Mỹ cho đến Zimbabwe, khẩu súng đã trở thành một biểu tượng và là một trong những hình ảnh dễ nhận ra nhất trên thế giới. Dòng súng trường AK các loại hiện đang được phiến quân IS sử dụng, cũng như quân Taliban ở Afghanistan, nhiều phe phái ở Libya và ở hai bên chiến tuyến Ukraine.
Khẩu AK-47 là tác phẩm của nhà thiết kế Mikhail T.Kalashnikov. Là một cựu binh Hồng quân, Kalashnikov đã chứng tỏ tài năng trong việc thiết kế vũ khí hạng nhẹ khi đang dưỡng thương sau chiến đấu và đã chế tạo một bản mẫu súng thử nghiệm vào năm 1947. (Có một số bằng chứng gián tiếp cho thấy AK-47 được thiết kế một phần bởi nhà sáng chế người Đức Hugo Schmeisser, người đã chế tạo khẩu Stg44 có hình dáng tương tự vào năm 1942.)
Khẩu AK-47 sử dụng loại đạn 7.62mm khiến súng ít giật hơn và nhẹ hơn loại đạn được dùng trong các loại súng trường truyền thống. Ngoài ra, loại đạn 7.62x39 cho phép người bắn kiểm soát súng tốt hơn khi bắn hoàn toàn bằng chế độ tự động và người lính có thể mang nhiều đạn khi chiến đấu.
AK-47 cho đến nay vẫn được sử dụng bởi nó là thứ vũ khí dành cho những người bình thường. Người sử dụng không phải huấn luyện nhiều để học cách bắn, và do đó chỉ cần giao thật nhiều AK-47 là đã có một đội dân quân lớn để chiến đấu. Súng rất dễ sử dụng và không cần bảo dưỡng nhiều. Súng có thể được tháo rất nhanh và vẫn có thể hoạt động mà không cần dầu bôi trơn. Tất cả những điều này đều rất quan trọng khi lính hay dân quân thường là những người ít hiểu biết và ít được huấn luyện kỹ càng.
Ước tính có hơn 100 triệu khẩu AK-47 gồm đủ các chủng loại đã được sản xuất bởi các nước như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Ai Cập, Nam Tư và phần lớn các nước thuộc khối Warsaw cũ. Theo báo The Independent, như vậy là cứ 70 người trên Trái Đất thì có 1 người có khẩu AK. Ngay cả Phần Lan và Israel, vốn không phải đồng minh hay bạn hàng của Liên Xô, cũng sản xuất biến thể của AK. Phiên bản gần đây nhất dành cho Quân đội Nga là khẩu AK-74M, sử dụng loại đạn 5.45mm nhẹ hơn.
Dòng vũ khí M16
Khẩu M16A4, loại súng của lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ. |
Khởi nguồn của khẩu M16 hiện đại là vào năm 1956, khi nhà phát minh Eugene Stoner thử nghiệm phiên bản tiền thân là khẩu AR-15 ở Trường Bộ binh ở Fort Benning.
Khẩu súng được đưa vào sử dụng trong quân đội sau đó bốn năm, rồi sau đó đến Không lực Hoa Kỳ cũng sử dụng. Quân đội Mỹ bắt đầu trang bị M16 vào năm 1965 và Binh đoàn Lính thủy đánh bộ cũng có súng này vào năm 1966.
Khẩu AR-15 là một khẩu súng trường đáng tin cậy và là một bước đột phá, tuy nhiên thay đổi vào phút chót về loại thuốc súng và sự hiểu sai về nhu cầu làm sạch súng khiến độ tin cậy của súng suy giảm vào thời Chiến tranh Việt Nam. Thêm vào đó là hệ thống trích khí tự nạp đạn của M16, đó là hơi và tàn dư của cacbon gây ra khi thuốc súng được đốt cháy chui ngược lại vào cơ chế hoạt động bên trong của súng.
Phiên bản gần đây nhất, khẩu M16A4, nặng khoảng 4kg và được nạp băng đạn gồm 30 viên. Súng trường có tầm bắn hiệu quả là 550m, với tốc độ bắn ổn định trong khoảng 12 – 15 viên một phút. Loại đạn 5.56mm SS109/M855 chú trọng vào khả năng xuyên giáp hơn khả năng gây chết người trên chiến trường NATO hiện đang dần bị thay thế bởi loại đạn M855A1 mới hơn.
Khẩu M16 nguyên bản đã dẫn đến sự xuất hiện của M16A1 đã cải tiến vào năm 1967, và khẩu M16A2 vào năm 1986. Khẩu M16A3 đã được sản xuất trong một thời gian ngắn dành cho Lực lượng SEAL, còn M16A4 là khẩu chuyên dụng cho Binh đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ. Khẩu M4A1, hiện là súng trường dành cho bộ binh quân đội Mỹ, cũng tương tự khẩu M16A4 ngoại trừ việc M4A1 có nòng ngắn hơn, báng súng gập và khả năng bắn hoàn toàn tự động.
Khẩu M16 đã trở thành một khẩu súng đáng tin cậy. Được thiết kế kỹ lưỡng và đô thích nghi cao, các biến thể của dòng M16 gồm những loại súng khác nhau như cacbin, súng trường bộ binh, vũ khí tự động và súng bắn tỉa tầm ngắn. Phiên bản dành cho dân thường, lại có tên AR-15, trong vòng 10 năm trở lại đây đang rất được ưa chuộng ở Mỹ với việc chính phủ nới lỏng lệnh cấm vũ khí tự động.
Súng máy M240
Khẩu trung liên M240 của quân đội Mỹ và nhiều nước trên thế giới. |
Súng máy M240 là khẩu trung liên được sử dụng trong Quân đội Mỹ và Binh đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ. Khẩu M240 còn được sử dụng trong quân đội ở 68 quốc gia khác và có tuổi thọ còn lâu hơn cả nước Rhodesia, một trong những nơi sử dụng loại súng máy này.
Khẩu M240 là phiên bản Mỹ của khẩu FN-MAG được thiết kế vào những năm 1950 bởi công ty súng Fabrique Nationale (FN) của Bỉ. Tận dụng những đặc điểm của các vũ khí dành cho bộ binh của cả phe Trục và Đồng minh, khẩu MAG trở thành một loại vũ khí rất được ưa chuộng và được nhiều nước NATO sử dụng. Một vài năm sau khi được sử dụng lần đầu tiên, khẩu MAG đã phục vụ chiến đấu ở nhiều nơi, từ Nam Phi hay đảo Falklands cho đến Afghanistan và Iraq.
Khẩu M240 có thể sử dụng để đối đấu mục tiêu trực diện, bao gồm các tiểu đội địch và các xe hạng nhẹ, hoặc có thể bắn yểm trợ đồng đội. Loại đạn 7.62mm cho phép M240 có tầm bắn hiệu quả vào khoảng 1.800m.
M240 nặng 12.2kg và cùng với nòng dự trữ, chân đế và các phụ kiện cũng như bộ phận dự trữ khác sẽ có tổng trọng lượng 21kg. M240 có tốc độ bắn liên tục là 100 viên/phút, như thế súng sẽ không bị quá nóng. Mặc dù có thể bắn 650 viên mỗi phút, tuy nhiên nguy cơ súng nóng lên sẽ rất cao.
Dĩ nhiên, hiện nay có rất nhiều nước đang sử dụng M240 nên công dụng của nó rất khó để liệt kê cho hết, tuy nhiên việc trang bị súng trong quân đội Mỹ cũng được những nước kia làm theo. Trong quân đội, M240 được gắn trên các xe bọc thép và với mỗi trung đội, hai người lính được bố trí để sử dụng súng. Trong Binh đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ, mỗi tiểu đoàn bộ binh được trang bị sáu khẩu M240 và tạo điều kiện cho tiểu đoàn trưởng sự mềm dẻo trong triển khai binh lính.
Súng máy PK
Súng máy PK, một sản phẩm nữa của nhà thiết kế Kalashnikov. |
Súng máy PK (Pulemyot Kalashnikova hay “súng máy Kalashnikov”) hạng nhẹ là giải pháp của quân đội Liên Xô trong những trường hợp cần hỏa lực mạnh ở cấp độ tiểu đội. Tương tự khẩu AK-47, khẩu PK cũng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Người ta cũng thường thấy khẩu PK bên cạnh những khẩu AK trên tay người lính.
Khẩu PK cũng được phát minh bởi nhà sáng chế Mikhail Kalashnikov. Mặc dù có hình dáng giống M240, súng cũng tương tự như khẩu súng trường tự động M-27 của Binh đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ, hay súng tự động NATO Minimi/M-249.
Khẩu PK đóng vai trò là Súng máy cấp tiểu đội (SAW). Mặc dù phần lớn bộ binh trên thế giới đều được trang bị vũ khí có thể bắn tự động hoàn toàn hay từng viên một, người lính đã qua huấn luyện hiếm khí bắn loạt dài. Chế độ tự động của súng trường tấn công thường không chính xác và hao tốn đạn nhanh chóng.
Thay vào đó, một khẩu súng như PK được thiết kể nhằm trở thành vũ khí tự động chuyên biệt. PK được trang bị hệ thống nòng và thân rất nặng để hấp thụ nhiệt và lực giật khi súng bắn loạt dài. Độ chính xác, cụ thể là khi sử dụng chân đế, được cho là rất tốt trong phạm vi đến 800m.
Để giảm bớt vấn đề huấn luyện và di chuyển, rất nhiều đặc điểm chung được giữ nguyên giữa AK và PK. Khẩu PK cũng sử dụng đầu ruồi giống AK-47 để dễ dàng cho việc huấn luyện. PK cũng sử dụng cùng loại đạn như AK-47. Nếu PK sắp hết đạn, người sử dụng có thể tự tìm nguồn đạn một cách dễ dàng, tuy nhiên băng đạn phải chuyển sang dạng dây đeo.
Khẩu PK cũng có khả năng phòng chống máy bay khi súng được đặt trên chân hai hoặc chân ba, tuy nhiên thực tế mà nói súng chỉ có thể bắn được những trực thăng hay máy bay không người lái đang bay thấp mà thôi.
Súng trường tấn công QBZ-95
Khẩu QBZ-95 của Quân đội Trung Quốc. |
Khẩu QBZ-95 hay còn gọi là “Súng trường tự động Kiểu 95” là loại súng trường dành cho quân đội Trung Quốc. Được thiết kế nhằm thay thế súng trường phiên bản sao chép của AK-47, khẩu QBZ-95 không giống như các loại súng trường khác của Trung Quốc. Khẩu súng được trang bị cho toàn bộ Quân đội Giải phóng Nhân Dân cũng như Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc.
Khẩu QBZ-95 được thiết kế với băng đạn được gắn phía sau cò súng. Giống như các loại súng trường có cùng loại thiết kế, tổng độ dài của súng giảm đi đáng kể. Do đó, mặc dù có nòng dài hơn súng M4 đến gần 9cm nhưng súng lại ngắn hơn so với các loại súng khác. Khẩu súng còn có tay cầm để xách theo khi vận chuyển, nhưng điều này khiến cho việc gắn các loại kính ngắm và linh kiện quang học khác trở nên khó khăn hơn.
Cả một dòng vũ khí quân đội đã được phát triển quanh khẩu QBZ-95. Một phiên bản cacbin với tổng độ dài ngắn hơn bình thường được sử dụng cho các tổ xe thiết giáp và các lực lượng đặc biệt. Ngoài ra, một loại khác nặng hơn cũng được sản xuất để tăng hỏa lực chiến đấu. Không may là phiên bản nặng hơn không tiếp nhận đạn dây đeo và chỉ dùng băng đạn 30 viên, khiến cho việc cung cấp hỏa lực mạnh lâu dài bị hạn chế.
Khẩu súng trường sử dụng loại đạn 5.8mm được chế tạo bởi Trung Quốc và không được sử dụng bên ngoài biên giới. Thông số chính xác của viên đạn hiện vẫn chưa đượctiết lộ đây đủ. Có vẻ như đạn không có đặc điểm nổi trội nào so với các loại đạn NATO và Nga, cả hai đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và nhiều chủng loại đạn dựa trên chúng đã được chế tạo. Một giả thuyết được đưa ra là khẩu QBZ-95 không sử dụng được đạn được làm bên ngoài đất nước.
Mặc dù khẩu súng trường vẫn chưa được sử dụng rộng rãi bên ngoài Trung Quốc, vị thế của Trung Quốc cũng như quân số khổng lồ của Quân đội Trung Quốc giúp súng QBZ-45 có một chỗ trong danh sách này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.