5 dấu hiệu nhận biết giang mai
Bác sĩ Trần Thị Kim Loan |
Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu Trần Thị Kim Loan – Bệnh viện đa khoa An Việt giang mai là 1 trong những bệnh tình dục phố biến.
Bác sĩ Loan cho biết giang mai là bệnh do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra, dễ lây lan, chủ yếu là qua hoạt động tình dục. Người bệnh thường không biết về căn bệnh này và vô tình lây cho người khác. Bằng việc nhận biết được dấu hiệu và triệu chứng bệnh giang mai sẽ giúp bạn kịp thời điều trị căn bệnh xã hội này.
Các biểu hiện của bệnh giang mai không phải lúc nào cũng rõ ràng và có thể tự biến mất. Một số người bị giang mai không có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh sẽ chuyển từ giai đoạn nhẹ sang giai đoạn nặng nếu không được chữa trị.
Các biểu hiện của bệnh giang mai để bạn nhận biết có thể bao gồm:
- Các vết loét trợt nông, nền cứng, không đau, thường xuất hiện trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn, nhưng có thể xảy ra ở những nơi khác như miệng.
- Đào ban: Các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình, lòng bàn tay, bàn chân
- Mảng niêm mạc: Hay gặp nhất ở vùng hậu môn, sinh dục, có thể ở miệng
- Phát ban đỏ nổi mẩn thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
- Mệt mỏi, nhức đầu, rụng tóc kiểu rừng thưa, đau khớp, sốt và nổi hạch ở cổ, nách và bẹn. Muộn có thể gặp gôm” giang mai ở da, cơ, xương, thương tổn tim mạch (giang mai tim mạch), thương tổn thầnh kinh gây bại liệt (giang mai thần kinh).
Bệnh giang mai có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như xoắn khuẩn giang mai có thể gây tổn thương tất cả các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Bệnh giang mai tác động xấu đến da, niêm mạc, mắt đến các cơ quan nội tạng như gan, tim mạch, thần kinh. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, bại liệt toàn thân, rối loạn tâm thần, viêm gan. Ngoài ra, biến chứng giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong cho thai nhi hoặc dị dạng thai sau khi sinh.
Bệnh chủ yếu lây truyền qua qua quan hệ tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn xâm nhập qua da - niêm mạc của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ (săng), đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể. Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan là bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh hay tổn thương ở bộ phận sinh dục, có hành vi tình dục không bảo vệ (quan hệ tình dục miệng - sinh dục, quan hệ tình dục đồng giới...).
Bệnh giang mai có thể lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn) và gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.
Để phòng giang mai, bác sĩ Loan cho rằng mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng. Nên thực hiện hành vi tình dục an toàn, có biện pháp bảo vệ.
Phụ nữ có thai cần làm các xét nghiệm giang mai và nếu có bệnh cần kịp thời và điều trị cho người mẹ nếu bị bệnh trong khi mang thai.