5 bài học để xây dựng một fanpage thương hiệu mạnh
Hầu hết mọi người khi like hoặc theo dõi các fanpage của các thương hiệu trên mạng xã hội (MXH, bao gồm Facebook, Twitter, Google+, Pinterest…) là nhằm 3 mục đích:
1. Cập nhật về các tin tức khuyến mại của doanh nghiệp bạn nhằm tiết kiệm tiền/thời gian.
2. Theo dõi thông tin và “học lỏm” các nội dung được bạn chia sẻ vì nó có liên quan đến công việc kinh doanh của họ.
3. Để giải trí.
Hiểu được động cơ và nhu cầu của khách hàng sẽ giúp bạn làm tiếp thị trên mạng xã hội hiệu quả hơn, xây dựng được các trang fanpage thương hiệu có nhiều thành viên ruột, gắn kết với các nội dung bạn chia sẻ lên hơn.
Dưới đây là 5 việc nên làm để giữ được người dùng theo dõi trang fanpage thương hiệu của bạn.
1. Đăng tải xen kẽ các nội dung để thu hút khán giả
Hãy nhớ rằng, không một bài đăng đơn lẻ nào có thể làm hài lòng tất cả mọi thành viên đang theo dõi trang fanpage thương hiệu của bạn, cho dù đó có là những thông tin hữu ích về thương hiệu và cho người dùng đi chăng nữa.
Những hình ảnh vui vẻ "không hại ai" sẽ giúp bạn "câu like" (ảnh: blog.boringfamily.com) |
Vì vậy, hãy xen kẽ nhiều nội dung, bao gồm: các nội dung tự sản xuất (ảnh, video, bài blog, bài PR trên báo về thương hiệu), các nội dung của người khác nhưng có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của bạn, các nội dung không liên khác, các tin tức, sự kiện nóng và những tấm hình vui nhộn hoặc trích dẫn ý nghĩa.
2. Đăng bài thường xuyên
Đăng bài thường xuyên không chỉ giúp phổ cập thông tin của bạn đến nhiều người hơn mà còn giúp cải thiện tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.
Giờ đây, công cụ tìm kiếm đã có thể chỉ mục (index) các nội dung được đăng trên mạng xã hội nên việc tối ưu hóa kể trên sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thứ hạng của doanh nghiệp/thương hiệu được tìm bằng công cụ tìm kiếm (Google, Bing...)
Hiện nay, trên Facebook fanpage đã sẵn có chế độ cài giờ cho bài đăng, hãy tận dụng tính năng này, cài bài trước khi bạn rảnh rỗi để không phải đau đầu đăng bài hàng ngày.
Việc duy trì bài đăng theo dòng nội dung chính và khung giờ nhất định cũng sẽ giúp bạn “đào tạo” người theo dõi.
Khi fanpage Facebook đang ngày càng giới hạn độ phổ cập của bài đăng, việc đào tạo này sẽ giúp ích đáng kể: người đọc đã quen với nội dung/khung giờ đăng bài của bạn, nếu họ không thấy bài đó trên bảng tin của họ, họ sẽ mò vào tận trang của bạn để tìm tin.
3. Sử dụng các thẻ gắn phân loại nội dung
Đối với các bài đăng có nội dung tương tự nhau, bạn nên gắn cùng tag (gắn thẻ liên quan) để phân loại nội dung. Việc làm này không quá khó nhưng lại giúp ích rất lớn trong việc hệ thống thông tin ngay trên chính trang của bạn, giúp dễ dàng tìm kiếm, quản lý các nội dung.
Ngoài ra, gắn hashtag sẽ giúp nội dung bài đăng của bạn có thể được truyền tới nhiều người đọc hơn, kiếm thêm người theo dõi cho trang fanpage hơn.
Trước khi gắn thẻ, hãy thử tìm kiếm, kiểm tra các tên thẻ mà bạn định gắn để đảm bảo chọn được hashtag “hot”, phổ biến và có lợi cho thương hiệu của bạn nhất.
4. Đặt link liên kết đến website của bạn
Hãy nhớ rằng, việc quan trọng nhất khiến bạn lập fanpage thương hiệu là để quảng cáo/tiếp thị cho doanh nghiệp/thương hiệu của bạn.
Hãy kết thúc 90% lượng bài đăng của bạn bằng các đường link chỏ về website của doanh nghiệp bạn. Link liên kết về website nhằm để giúp người theo dõi có thêm thông tin hoặc đăng ký nhận bản tin quảng cáo qua email, blog, thư quang cáo… về thương hiệu nếu họ muốn.
Đồng thời, hãy nhớ tạo các nút nhúng chia sẻ, thích, bình luận… của mạng xã hội trên trang website chủ để tăng tính lan tỏa cho thương hiệu của mình.
5. Nghiên cứu các bản phân tích
Bạn sẽ không bao giờ biết được trang fanpage của bạn có hiệu quả hay không nếu bạn không chịu khó xem các bảng phân tích và rút ra bài học.
Hãy xem các thông tin phân tích có sẵn trong tài khoản của bạn. Bằng công cụ này, bạn sẽ nhận thấy bài đăng dạng nào và khung giờ nào được người theo dõi đón nhận nhiều nhất để điều chỉnh cho phù hợp.
Đồng thời, bạn cũng sẽ nhận ra những nội dung nào ít được quan tâm và đặt ra câu hỏi vì sao nó bị ghẻ lạnh, trả lời được câu hỏi đó, bạn sẽ thành công hơn.
Ngoài ra, thông tin về nguồn gốc của lưu lượng truy cập cũng giúp bạn biết được nhiều thứ về các đối tượng đang theo dõi trang fanpage thương hiệu của bạn.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, hiểu biết rõ về khán giả cũng như nắm được thói quen của họ sẽ giúp bạn thu hút được sự chú ý của họ một cách tốt nhất.
Đồng thời, một trong các việc cần làm khác là phân tích đối thủ cạnh tranh của họ. Hãy nghiên cứu để học được các thành công nhưng lại tránh được những sai lầm khi xây dựng trang fanpage thương hiệu của đối thủ trên mạng xã hội.
Kết luận: Làm marketing trên mạng xã hội giống như bạn đi “trồng cây công nghiệp trung và dài hạn”, kết quả MXH mạng lại cho bạn sẽ không thấy được ngay trong một sớm một chiều nên bạn phải có tư duy lâu dài cũng như lòng kiên trì khi xây dựng các trang thương hiệu trên MXH.
Nhưng, đó lại là cuộc chơi bạn nên tham gia ngay từ bây giờ, vì hơn lúc nào hết, MXH đang ngày càng trở nên quan trọng và “thiết thực” đối với con người hơn bao giờ hết, cũng như xu hướng này sẽ không sớm dừng lại trong tương lai gần.
Xây dựng trang các trang thương hiệu trên MXH sẽ giúp doanh nghiệp bạn chiếm được lợi thế có thứ hạng cao khi tìm kiếm trên internet, đây là một trong các yếu tố quyết định đến thành công của thương hiệu trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Những kinh nghiệm trên được chia sẻ bởi Barbara Walsh, một chuyên gia về chiến lược tiếp thị người Mỹ trên trang walshonemarketing.com - trang blog viết về tiếp thị trên internet dành cho các doanh nghiệp và thương hiệu.
Barbara Walsh có hiểu biết sâu rộng về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), SEM (tiếp thị trên công cụ tìm kiếm) và SMM (tiếp thị trên phương tiện truyền thông xã hội). Bài do Infonet lược dịch và đặt lại tiêu đề.