3 vũ khí hải chiến 'khủng' của Trung Quốc
Xây dựng lực lượng hải quân hiện đại ngang hàng với các nước trên thế giới đang trở thành một phần trong định hướng mới của chính phủ Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc đang tự trang bị và nâng cấp lực lượng tàu tuần tra và tàu sân bay mới cho riêng mình.
Dưới đây là 3 loại vũ khí hải chiến nguy hiểm nhất mà Hải quân Trung Quốc đang sở hữu theo tổng hợp của tạp chí National Interest:
Khu trục hạm phòng không Type 052C/D
Tàu khu trục phòng không Type 052C/D được thiết kế nhằm bảo vệ đội tàu đắt giá bao gồm các tàu sân và tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc. Những khu trục hạm này của Trung Quốc có sức mạnh và năng lực ngang ngửa các tàu khu trục phòng không lớp Arleigh Burke của Mỹ và Daring của Anh.
Khu trục hạm phòng không Type 052C của Trung Quốc. |
Theo đó, các tàu khu trục Type 052C/D được trang bị 60 ống phóng tên lửa thẳng đứng, nằm ngay phía sau tháp súng chính cỡ nòng 100 mm. Ngoài ra, các tàu Type 052C/D còn được vũ trang với các tên lửa đất đối không "Hồng Kỳ" HQ-9, phiên bản cải tiến của tên lửa phóng từ mặt đất S-300 của Nga.
Tương tự như tên lửa đánh chặn trên biển SM-2 của Mỹ, Hồng Kỳ đạt tốc độ tối đa Mach 4 (4.900 km/h) và tầm bắn 200 km. Tuy nhiên, HQ-9 đã được cải tiến đáng kể để có khả năng đánh chặn mọi loại tên lửa đạn đạo cho tới tên lửa hành trình hoạt động ở tầm thấp.
Giống như tàu khu trục lớp Burke của Mỹ, khu trục hạm Type 052C/D được trang bị vũ khí "tới tận răng" và có thể đảm nhận mọi sứ mệnh. Mỗi chiếc Type 052C/D mang theo 8 tên lửa hành trình chống hạm YJ-62. Với bề ngoài giống như tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, tên lửa YJ-62 của Trung Quốc có tầm bắn 280 km và có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Ngoài ra, các tàu Type 052C/D còn được trang bị 2 hệ thống vũ khí giáp lá cà cỡ nòng 30 mm Type 730 để tiêu diệt tên lửa và máy bay đối phương cùng 6 ngư lôi chống ngầm. Thêm vào đó, 4 bệ phóng rocket chống ngầm trên các khu trục hạm Type 052C/D có khả năng tấn công các tàu ngầm đối phương ở khoảng cách 4,8 km. Thậm chí, Type 052C/D còn có một sân bay và kho chứa máy bay phục vụ các loại trực thăng Z-9 hoặc Ka-28.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã cho đóng 6 tàu khu trục phòng không Type 052C/D và dự kiến sản xuất thêm 3 chiếc nữa.
Chiến đấu cơ "Cá mập bay" J-15
Nỗ lực hoàn thành chiếc tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ không còn có ý nghĩa nếu như Bắc Kinh không thể hoàn thiện kỹ thuật để các chiến đấu cơ có thể cất cánh từ đây. Kết quả là, Trung Quốc đã theo đuổi kế hoạch phát triển một loại máy bay đảm nhận chức năng này.
Chiến đấu cơ J-15 cất cánh thử nghiệm trên tàu sân bay Liêu Ninh. |
Về hình dáng bên ngoài, J-15 của Trung Quốc trông giống như chiến đấu cơ Su-27 của Nga nhưng động cơ bên trong lại do Trung Quốc sản xuất. Toàn bộ hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), điện tử hàng không, thăm dò và theo dõi bằng tia hồng ngoại đều do Bắc Kinh sản xuất.
Ngoài ra, J-15 còn sử dụng 2 động cơ cánh quạt phản lực WS-10, tương tự như chiến đấu cơ phóng từ mặt đất J-10. Khi cất cánh từ mặt đất, J-15 có khả năng mang theo 12 tấn vũ khí.
Tuy nhiên, thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh lại làm hạn chế khả năng hoạt động hiệu quả của J-15. Do Liêu Ninh không được trang bị các máy phóng máy bay, kỹ sư Trung Quốc đã thay thế bằng chiếc cầu bật. Tuy nhiên, chiếc cầu bật này không thể hoạt động hiệu quả như máy phóng máy bay. Do đó, khi chở theo hơn 2 tấn và được nạp đầy nhiên liệu, J-15 sẽ không thể cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Ngoài ra, không giống như các máy bay hoạt động trên tàu sân bay của Mỹ, chiến đấu cơ của Trung Quốc đều không có khả năng nạp nhiên liệu từ trên không.
Tính đến tháng 10 năm nay, J-15 được xem là loại máy bay duy nhất hoạt động trên tàu sân bay của Trung Quốc.
Tàu hộ tống tên lửa lớp Jiangdao Type 056
Mặc dù, tàu hộ tống tên lửa lớp Jiangdao Type 056 của Trung Quốc không phải là một trong những loại tàu được trang bị vũ khí hạng nặng nhất thế giới nhưng trong thời gian tới, chúng sẽ trở thành một trong những đội tàu có số lượng đông nhất thế giới. Cho đến nay, ít nhất 23 chiếc tàu Type 056 đã được Trung Quốc sản xuất và riêng năm 2014 là 10 chiếc. Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ cho mắt toàn bộ các phiên bản của tàu hộ tống Type 056 với số lượng hơn 50 chiếc và hoàn thành vào năm 2018.
Tàu hộ tống tên lửa lớp Jiangdao Type 056 |
Các tàu Type 056 là câu trả lời cho đội tàu tác chiến ven bờ của Trung Quốc. Được thiết kế nhằm thay thế những chiếc tàu tuần tra bờ biển và tàu săn tàu ngầm đã lỗi thời, trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ triển khai các tàu Type 056 làm nhiệm vụ tuần tra tại Biển Đông. Ngoài ra, tàu Type 056 sẽ đại diện cho Hải quân Trung Quốc xuất hiện tại những vùng nước nông trên Biển Đông đặc biệt là gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Với trọng lượng toàn tải 1.500 tấn, tàu Type 056 tuy nhỏ nhưng lại mang theo rất nhiều loại vũ khí bao gồm một khẩu pháo cỡ nòng 76 mm để đối phó với tàu thuyền và máy bay của đối phương cùng 2 hệ thống vũ khí tầm xa cỡ nòng 30 mm để chiến đấu với các tàu sân bay, tên lửa và tàu thuyền nhỏ. Với khả năng phòng thủ tên lửa tầm gần, các tàu hộ tống Type 056 được trang bị bệ phóng tên lửa FL-3000N với 8 tên lửa sẵn sàng phóng tương tự như bệ phóng tên lửa RAM của Mỹ.
Mỗi chiếc Type 056 còn được trang bị 4 tên lửa chống hạm "Đại bàng tấn công" YJ-83. Tương tự như Harpoon của Mỹ và Exocet của Pháp, tên lửa YJ-83 của Trung Quốc có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách hơn 200 km.
Ngoài ra, các tàu Type 056 còn có khả năng săn tàu ngầm. Tàu tiêu chuẩn Type 056 được trang bị thân tàu có khả năng phát hiện tàu ngầm, sân bay phục vụ trực thăng Z-9 và 6 ngư lôi chống ngầm.
Một phiên bản khác của tàu Type 056 dành riêng cho Lực lượng bảo vệ bờ biển đã được phát hiện tại xưởng đóng tàu Hoàng Bộ thuộc thành phố Quảng Châu.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.