3 phương pháp thay thế đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối
Bệnh thận mạn là tình trạng suy giảm từ từ và không hồi phục chức năng thận bao gồm 5 giai đoạn, khi đến giai đoạn 5 thì chức năng thận đã suy giảm rất trầm trọng.
3 nguyên nhân suy thận
Hiện nay trên thế giới có khoảng trên 1,5 triệu người mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang được điều trị thay thế thận và số lượng người này không ngừng tăng.
Trên thực tế, do chi phí cao của các biện pháp điều trị thay thế thận nên điều trị thay thế thận chỉ áp dụng chủ yếu (80%) cho người bệnh tại các nước đã phát triển.
Tại các nước đang phát triển chỉ 10-20% người bệnh bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối được điều trị thay thế thận và thậm chí không có điều trị thay thế thận, và người bệnh sẽ tử vong khi vào giai đoạn cuối.
TS.BS Nguyễn Thế Cường – Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết ba nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn giai đoạn cuối trên thế giới đó là: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh cầu thận. Nếu tại các nước phát triển, đái tháo đường vẫn chiếm ưu thế trong khi tại các nước đang phát triển, nguyên nhân hàng đầu vẫn là bệnh cầu thận (30-48%).
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối có biểu hiện của hội chứng urê huyết bao gồm ba rối loạn chính:
Thứ nhất, rối loạn gây ra do sự tích tụ các chất thải và độc chất trong cơ thể, quan trọng nhất là sản phẩm biến dưỡng của protein.
Thứ hai, rối loạn là hậu quả của sự mất dần các chức năng khác của thận như: điều hòa thăng bằng nội môi, nước điện giải, nội tiết tố.
Thứ 3, rối loạn là hậu quả của phản ứng viêm tiến triển gây ra ảnh hưởng lên mạch máu và dinh dưỡng.
3 phương pháp thay thế đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối |
Bác sĩ Cường cho biết mục tiêu của điều trị người bệnh có bệnh thận mạn giai đoạn cuối đó là chuẩn bị điều trị thay thế thận khi thận suy nặng. Điều chỉnh liều thuốc ở người bệnh suy thận.
Điều trị các biến chứng của hội chứng urê huyết cao như thiếu máu, suy dinh dưỡng, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa canxi – phospho, rối loạn nước điện giải. Điều trị các biến chứng tim mạch và các yếu tố nguy cơ.
Tuỳ theo người bệnh có triệu chứng bất thường nào thì chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Trừ phi người bệnh từ chối, mọi người bệnh có bệnh thận mạn giai đoạn cuối, với lâm sàng của hội chứng urê huyết cao (thường xảy ra khi độ thanh thải creatinin dưới 15 ml/phút, hoặc sớm hơn ở người bệnh đái tháo đường) đều có chỉ định điều trị thay thế thận.
Việc điều trị chủ yếu là phương pháp điều trị nội khoa, trong đó BS nhấn mạnh chế độ ăn là quan trọng nhất, cần hạn chế đạm và các loại trái cây nhiều kali, kẽm, nước.
Các chỉ định điều trị thay thế thận cho các bệnh nhân bị tăng kali máu không đáp ứng với điều trị nội khoa. Bệnh nhân toan chuyển hóa nặng (khi việc dùng HCO3 có thể sẽ gây quá tải tuần hoàn). Bệnh nhân bị quá tải tuần hoàn, phù phổi cấp không đáp ứng với điều trị lợi tiểu. Bệnh nhân suy dinh dưỡng tiến triển không đáp ứng với can thiệp khẩu phần.
Mức lọc cầu thận từ 5-10ml/ph/1,73 m2 (hoặc BUN > 100mg/dL, créatinine huyết thanh > 10mg/dL).
3 hình thức thay thế
Có ba hình thức điều trị thay thế thận bao gồm: Thận nhân tạo (hoặc thẩm tách máu, hemodialysis, HD), thẩm phân phúc mạc (peritoneal dialysis, PD) và ghép thận.
Phương pháp phổ biến nhất đó là chạy thận nhân tạo, bác sĩ Cường chia sẻ, đối với phương pháp này, bệnh nhân cần đến bệnh viện 1 tuần 2 - 4 lần, thời gian chạy thận kéo dài 4 - 6 tiếng tùy tình trạng bệnh nhân. Vào ngày không chạy thận thì có thể đi lại hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, trong thời gian chạy thận, bệnh nhân phải hạn chế nước, không ăn các loại trái cây nhiều kali. Trường hợp sử dụng chung máy chạy thận với bệnh nhân khác có nguy cơ nhiễm Viêm gan C rất cao.
Phương pháp thứ hai là lọc màng bụng. Màng bụng là một màng bán thấm cho nước và các chất hòa tan đi qua, chính vì vậy người ta đã lợi dụng cơ chế này để lọc các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Phương pháp này khá đơn giản, bệnh nhân sẽ được huấn luyện các kỹ thuật để trang bị hằng ngày tại nhà.
Cuối cùng là ghép thận, phương pháp này là lấy thận của người khỏe mạnh ghép cho người suy thận giai đoạn cuối, thận ghép sẽ hoạt động như thận của người bình thường. Tuy nhiên rất khó để tìm được người cho thận và phù hợp với người nhận, chi phí của phương pháp này khá cao. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải đối diện với nguy cơ thải ghép và các tác dụng phụ của thuốc thải ghép.
Người bệnh có thể lựa chọn một trong ba phương pháp, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể của người bệnh.
Khánh Chi
Vì sao cần tầm soát sớm nguy cơ tim, thận ở bệnh nhân tiểu đường?
Trong thực hành lâm sàng, hiểu biết rõ các yếu tố nguy cơ tim mạch - thận trên bệnh nhân sẽ là một điểm tựa vững chắc cho các bác sĩ.