3 loại vũ khí của Trung Quốc mà Mỹ lo sợ ở Biển Đông
Mặc dù tàu USS Lassen đã tiến gần đến các đảo mà Trung Quốc xây dựng trên các vùng biển tranh chấp mà không gặp sự cố nào, nhưng trong tương lai rất có thể hoạt động này sẽ không dễ dàng.
Trung Quốc kịch liệt phản đối sự xuất hiện của tàu Lassen trên Biển Đông, mặc dù các đảo nhân tạo vẫn chưa được công nhận là lãnh thổ của nước này theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và sẽ thực hiện “những biện pháp cần thiết” để ngăn chặn các hoạt động tương tự của Hải quân Mỹ.
Tàu USS Lassen của Hải quân Mỹ đã tiến vào gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông. |
Vậy Trung Quốc có thể làm gì nếu một cuộc đối đầu xảy ra? Dưới đây là 3 loại vũ khí rất quan trọng của Trung Quốc, có thể khiến các tàu Mỹ phải dè chừng.
Thủy lôi
Nếu Trung Quốc thật sự muốn cản trở hoạt động của Mỹ, họ có thể sẽ đặt thủy lôi trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo.
Thủy lôi đã phá hoại nhiều tàu chiến nhất của Hải quân Mỹ kể từ sau Thế chiến II hơn bất kỳ loại khí tài khác cộng lại. Đã có đến 15 tàu chiến đã bị hư hỏng hoặc phá hủy hoàn toàn do thủy lôi. Ví dụ, tàu USS Princeton có chi phí hàng tỉ USD đã bị hư hại nặng sau khi đâm phải một quả mìn chỉ có giá trị vài ngàn USD trong cuộc Chiến tranh Vùng vịnh vào đầu những năm 1990.
Trung Quốc nhận thức rất rõ điều này. Hiện tại hạm đội của Trung Quốc có ít nhất 40 tàu đặt thủy lôi và được nâng cấp liên tục, đồng thời cũng đầu tư nhiều hơn nữa vào việc sản xuất nhiều loại mìn hiện đại. Trong khi đó, Hải quân Mỹ chỉ mới bắt đầu tìm những biện pháp nhằm phòng chống các loại thủy lôi trên biển.
Tàu ngầm Diesel
Nếu như một cuộc xung đột xảy ra trên Biển Đông, tàu ngầm chạy bằng diesel của Trung Quốc có thể sẽ là một mối đe dọa đáng gờm. Mặc dù các tàu ngầm diesel không có tốc độ, khả năng chiến đấu hay hoạt động lâu dài như các tàu ngầm hạt nhân, lợi thế của chúng là không gây ra tiếng động. Trong những vùng biển hẹp, các loại tàu này rất khó bị phát hiện.
Trung Quốc có trong tay một lực lượng tàu ngầm diesel đáng gờm, trong đó gồm có tàu ngầm lớp Kilo do Liên Xô chế tạo. Họ còn có loại tàu lớp Nguyên được sản xuất nội địa, có khả năng lặn sâu hơn các tàu diesel thông thường.
Được trang bị các loại tên lửa hành trình và ngư lôi hiện đại, các tàu này là những mối đe dọa chết người bởi các tàu chiến thường yếu thế khi bị tấn công từ dưới lòng biển.
Các tàu chiến trên biển
Trong lúc tàu Lassen di chuyển gần bãi đá Subi, hai tàu chiến Trung Quốc là chiến hạm Lanzhou và tàu khu trục Taizhou đã bám rất sát tàu của Mỹ.
Trung Quốc có một hạm đội Hải quân ngày càng lớn mạnh. |
Mặc dù hai tàu này không thể so sánh với tàu Lassen về mặt công nghệ, khả năng chống hạm của tàu Mỹ rất hạn chế với chỉ một khẩu súng trọng liên và các tên lửa Standard. Chúng sẽ không gây ra mối nguy hại nào đối với các tàu của Trung Quốc.
Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Hải quân Mỹ tin rằng họ có thể hoạt động ở mọi vùng biển trên thế giới và tập trung vào các hoạt động đổ bộ. Do không chú trọng vào việc tác chiến trên biển, khả năng chống hạm và tàu ngầm của Mỹ giờ đây khá yếu. Trong khi đó, tàu của Trung Quốc có rất nhiều loại tên lửa chống hạm tầm xa.
Nói cách khác, Hải quân Mỹ cần phải nhanh chóng trang bị tên lửa các tàu chiến của mình, đồng thời chú trọng hơn nữa vào việc chống tàu ngầm và ngư lôi trên biển.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.