14.923 vũ khí hạt nhân đang ở những đâu trên thế giới?
Theo phân tích của Business Insider, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, hai siêu cường hạt nhân, đang ở mức “thấp đỉnh điểm” sau khi Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Syria.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sắp sản xuất thành công tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công vào đất liền Hoa Kỳ bất kỳ lúc nào.
Tổng thống Donald Trump được thừa hưởng một chương trình trị giá 1 nghìn tỷ USD để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân Hoa Kỳ và Nga cũng tăng cường ngân sách quốc phòng để nâng cấp kho vũ khí của mình.
Bản tin khoa học nguyên tử của Đại học Chicago, Hoa Kỳ, đã nhận thấy những mối nguy hiểm nói trên và điều chỉnh đồng hồ ngày tận thế tăng lên 30 giây từ tháng 1/2017. Sự thay đổi mang tính biểu tượng này cho thấy nhân loại giờ đây chỉ còn 2 phút 30 giây cho đến “nửa đêm khải huyền”.
Đồng hồ ngày tận thế là một đồng hồ mang tính tượng trưng lập ra năm 1947 nhằm đưa ra mức độ cảnh báo về chiến tranh hạt nhân ở phạm vi toàn cầu. Theo đó hiểm họa hạt nhân càng lớn bao nhiêu thì chiếc đồng hồ càng chạy gần lại thời điểm nửa đêm (12 giờ đêm hay 0 giờ) bấy nhiêu.
Thế nhưng, dù có nhiều cảnh báo được đưa ra như vậy, thế giới dường như vẫn chưa làm gì nhiều để cải thiện viễn cảnh này. Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên lại càng gia tăng mạnh trong những tháng gần đây, khi Bình Nhưỡng liên tục đe dọa dội “mưa bom hạt nhân” nếu Washington tiếp tục có những hành động gây hấn.
Nhiều chuyên gia còn bất đồng ý kiến về năng lực vũ khí hạt nhân cũng như số lượng bom hạt nhân mà Triều Tiên sở hữu, song ngoài Bình Nhưỡng, vẫn còn một số quốc gia trên thế giới còn nắm trong tay khá nhiều loại vũ khí hủy diệt này.
Dưới đây là bản đồ số liệu chính xác nhất cho đến thời điểm này về số lượng vũ khí hạt nhân cũng như các quốc gia sở hữu trên thế giới:
Hiện có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ (6.800 vũ khí hạt nhân), Nga (7.000), Vương quốc Anh (215), Pháp (300), Israel (80), Pakistan (140), Ấn Độ (120), Trung Quốc (260) và Triều Tiên (8). Nguồn: Business Insider |
Cụ thể, trong số 7.000 vũ khí hạt nhân, Nga đã triển khai 1.910 loại vũ khí; còn dự trữ/ chưa triển khai hoặc dùng vào mục đích khác là 2.390; không dùng đến hoặc chờ phá hủy là 2.700.
Mỹ có 1.800 vũ khí đã triển khai; 2.200 đang nằm trong kho và 2.800 không còn sử dụng hoặc chờ tháo dỡ.
Pháp đã sử dụng 290 vũ khí hạt nhân, còn lại 10 vũ khí và không có quả bom hạt nhân nào phải phá hủy.
Trung Quốc chưa từng sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng cũng dự trữ khoảng 260 loại vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Vương quốc Anh đã dùng 120 vũ khí hạt nhân, đang sở hữu 95 vũ khí.
Về phần Pakistan, đất nước này chưa dùng vũ khí hạt nhân, một số dữ liệu cho biết Pakistan có khoảng từ 120 đến 140 vũ khí hạt nhân các loại. Ấn Độ cũng tương tự, sở hữu khoảng từ 110 đến 120 vũ khí hạt nhân. Trong khi kho vũ khí của Israel có khoảng 80 vũ khí.
Về phần Triều Tiên, số liệu được các chuyên gia đưa ra là dựa trên những thông tin về các vụ thử tên lửa hoặc các vật liệu dạng bom mà Bình Nhưỡng có thể đã tạo ra. Theo đó, các nhà khoa học tính toán rằng có thể Triều Tiên đang sở hữu 8 vũ khí hạt nhân. Hiện chưa có thông tin công khai nào về việc Bình Nhưỡng có đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào tên lửa hay chưa.
Bảng số vũ khí hạt nhân và mục đích sử dụng của các quốc gia sở hữu. Nguồn: SIPRI, Bản tin khoa học nguyên tử, Hiệp hội các nhà khoa học Hoa Kỳ |