1/3 người Mỹ "kì thị" các thương hiệu Trung Quốc
Cuộc khảo sát đã hỏi khoảng 1.500 người Mỹ rằng “Bạn có mua một sản phẩm nếu bạn biết nó thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc không?”. 68% số người được hỏi đã gật đầu, tuy nhiên 32% còn lại hoàn toàn từ chối việc mua bán đó.
Cũng trong chương trình khảo sát, có đến 81% người tham gia nói rằng họ sẽ mua sản phẩm nếu họ biết đó là thương hiệu đến từ Nhật Bản. “Chúng tôi tin rằng sự kỳ thị thương hiệu Trung Quốc này là do nhận thức rằng các sản phẩm của Trung Quốc có chất lượng thấp và không chấp nhận các chính sách của nước này”, Daniel Sperling – Horowitz, Chủ tịch kiêm Đồng sáng lập của Công ty Dịch vụ thương mại HD cho biết.
Lenovo - một thương hiệu máy tính của Trung Quốc. |
Trong một cuộc khảo sát trước đó cũng của công ty này, 94% người Mỹ được hỏi không thể nêu tên một thương hiệu của Trung Quốc. Một số người có thể kể được ít nhất một thương hiệu. Trong đó, Lenovo có mức phổ biến cao nhất với 2,53% số người được hỏi nhắc đến nó. Tiếp theo là Baidu với 1,2% và Huawei là 1,07%. Có 59% số người được hỏi cũng không thể kể tên được các thương hiệu sản phẩm của Nhật Bản.
“Điều này trái ngược với thực tế rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và chiếm gần một nửa tổng lượng hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ là được sản xuất tại Trung Quốc”, ông Horowirz nói thêm.
Leo Liu, giám đốc điều hành của HD ở Trung Quốc, cho rằng kết quả đó phản ánh được tầm quan trọng của việc các thương hiệu Trung Quốc cần phải nâng cao hình ảnh quốc tế của mình.
Ông nêu một ví dụ về Haier, một trong các nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới, như một ví dụ về một công ty lớn của Trung Quốc, nhưng nhiều người Mỹ lại cho rằng đó là một thương hiệu đến từ nước Đức. Liu cho biết sản phẩm của Đức nói chung là đồng nghĩa với kỹ thuật cao và chất lượng ở Mỹ. "Haier không có gì để đánh lừa người tiêu dùng - nó chỉ đơn giản đã định vị mình như một thương hiệu đa quốc gia", ông Liu nói thêm.
Một lý do chính khiến cho việc nhận diện thương hiệu Trung Quốc quá thấp kém là bởi vì nhiều công ty của nước này quá tập trung vào việc hoàn thiện và xây dựng thương hiệu của mình ở nước nhà. Từ đó, họ không dành đủ nguồn lực để phát triển bản thân trên thị trường thế giới, trong đó có thị trường Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bước vào thị trường Mỹ và thế giới bằng cách mua lại các công ty phương Tây với các tiềm lực có sẵn, chứ không phải bắt đầu từ việc tung ra những gì mình có, ông Sperling-Horowitz nhận định. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng còn rất nhiều chỗ trống cho các công ty Trung Quốc phát triển chiến lược kinh doanh của mình.
Ông cũng thêm rằng sau khi tham dự nhiều triển lãm thương mại ở Mỹ trong suốt các năm qua, một trong những ấn tượng nổi bật nhất về các doanh nghiệp Trung Quốc – thậm chí là những doanh nghiệp có hàng tỷ USD – chính là việc họ có những nhân viên tham dự không thể nói tiếng Anh thành thạo. Họ còn cho in ấn phẩm và các tài liệu quảng cáo chứa đầy các lỗi ngữ pháp.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng không có khả năng thể hiện tốt câu chuyện thành công của mình. “Tin hay không thì người tiêu dùng bình dân vẫn được tiếp xúc với hơn 3.000 quảng cáo mỗi ngày. Các công ty kể được một câu chuyện hấp dẫn và thuyết phục sẽ thành công trong việc đạt được sự chú ý của người tiêu dùng”, ông Horowitz cho biết, “ Nhưng nếu không biết cách sử dụng câu chuyện của mình, một thương hiệu hay sản phẩm nào đó sẽ nhanh chóng bị lãng quên”.
David Brain, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Edelman châu Á – Thái Bình Dương cho biết công ty này đã phải mất rất nhiều năm để xây dựng được sự nhận biết thương hiệu của một quốc gia. Tuy nhiên, có thể chỉ cần một vài thương hiệu được công nhận thôi cũng có thể thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về một đất nước nói chung. Ví dụ, ông nói, Hyundai, Samsung, LG và Kia đã quản lý để nâng cao nhận thức về Hàn Quốc và thương hiệu của nước này.