1.000 kỷ vật chiến tranh vô giá của người cựu binh Hà Nội
Từ bao lâu nay, ngôi nhà riêng của người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp (65 tuổi) tại phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội),đã thành nơi lui tới của "Câu lạc bộ chiến sĩ" đặc biệt là cựu chiến binh quân khu Trị Thiên, đồng đội một thời khói lửa của ông. |
Với niềm đam mê sưu tầm lại những kỷ vật chiến tranh, ông Hiệp đã xây dựng một bảo tàng ngay trong khuôn viên gia đình ông đang sinh sống. |
Với hơn 1.000 kỷ vật (không kể ảnh) được ông Hiệp lặn lội tìm kiếm trong 20 năm đã thực sự trở thành một bảo tàng ghi dấu những chứng tích chiến tranh. |
"Trong số những kỷ vật tại đây, có những thứ là vật dụng của những người anh, đồng đội đã hy sinh để tôi được sống trong thời buổi hòa bình. Tôi đi tìm lại những món đồ đó như một lời tri ân gửi đến họ" - ông Hiệp bùi ngùi bên bức di ảnh của người anh ruột mình đã hy sinh trong chiến tranh. |
Hầu hết những kỷ vật tại bảo tàng là do ông bỏ tiền túi ra mua lại mỗi khi có thông tin hay chỉ là tình cờ lân la ở các cửa hàng buôn bán phế liệu. |
Nhưngcó những người bạn chiến đấu biết tâm nguyện của ông nên có kỷ vật lại mang đến nhờ ông cất giữ, đó chỉ là những bức thư thời chiến... |
... hay đôi dép cao su đã từng xẻ dọc dãy núi Trường Sơn. |
Ngoài ra, bảo tàng còn có những món đồ đã gắn liền với bước ngoặt lịch sử của cuộc đời ông Hiệp, đó là chiếc võng và chiếc chăn ông được Thiếu tướng Trần Minh Đức, thời kỳ đó là Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu Trị Thiêu tặng. |
"Trong lần bị thương vào năm 1969, Thiếu tướng Đức đã tới tận giường thăm, ông đã tặng tôi chiếc võng và chiếc chăn vì toàn bộ ba lô của tôi đã bị mất hết. Đây là 2 kỷ vật vô giá của đời tôi" - ông Hiệp kể. |
Không chỉ có những kỷ vật của đồng đội, hiện nay, bảo tàng của ông Hiệp còn đang lưu giữ thứ vũ khí đã từng lấy đi tính mạng của không biết bao đồng đội ông. đó là hơn 10 loại bom Mỹ các loại được thả xuống chiến trường Quảng Trị. Ông Hiệp cho biết, tất cả đều là bom thật nhưng không nổ được người dân tìm được trong thời bình. |
Trong thời kỳ tham gia chống Mỹ, ông từng là lính dưới quyền của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Từ đó đến nay, ông và nguyên Tổng bí thư vẫn thỉnh thoảng gặp gỡ và ôn lại kỷ niệm về Trị Thiên khói lửa (trong ảnh: Tấm hình được ghép bằng 12.000 bức ảnh chân dung nguyên Tổng Bí thư từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng đến khi giữ vị trí trọng trách của Nhà nước). |
Với tâm huyết: "Gần nửa thế kỷ qua đi, các chiến sĩ, sĩ quan, tướng lĩnh... đã ngã xuống góp phần làm lên chiến thắng huy hoàng để chúng ta có một cuộc sống tươi đẹp như hiện nay. Những kỷ vật của họ vẫn còn nằm lại chiến trường, nếu chậm thì nhiều kỷ vật thiêng liêng của một thời máu lửa sẽ mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ theo quy luật của tạo hóa!" như ngọn lửa vẫn thôi thúc ông Hiệp muốn đi tìm thêm nữa những chứng tích chiến tranh. |