10 em bé “thập tử nhất sinh” được cứu sống nhờ “báo động đỏ”
Bé Dương Minh Phát, bé trai bị đâm thấu sọ hồi phục kỳ diệu nhờ quy trình báo động đỏ |
Ngày 8/1, Sở Y tế TPHCM đã tổng kết hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện năm 2015, trong đó đánh giá cao hệ thống phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh mà quy trình “báo động đỏ” tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là mô hình mẫu.
Tính từ năm 2008 (năm triển khai), quy trình báo động đỏ đã cứu sống được 10 em bé “thập tử nhất sinh” trong đó có những em bé đã "nổi tiếng", được dư luận quan tâm trong thời gian qua như bé Dương Minh Phát - bé sơ sinh 11 ngày tuổi bị dao đâm thấu sọ, bé Nguyễn Quốc Huy - bé sơ sinh bị văng khỏi bụng mẹ...
Trường hợp đầu tiên được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ là bé L.T.P (2 tuổi, ngụ ở Q.5, TPHCM). Bé nhập viện trong tình trạng lơ mơ, môi tím tái, thở nông. Bụng được băng kín, máu ướt thấm gạc, mất máu rất nhiều. Các bác sĩ cho biết, trên người cháu có hàng chục vết dao đâm gây tràn máu màng phổi, lòi ruột non ra ngoài, thủng dạ dày, đứt thành đại tràng ngang. Người nhà cho biết, trước khi nhập viện 1 giờ, cháu bị người hàng xóm đâm nhiều nhát vào ngực, bụng và 2 tay.
Các bác sĩ cấp cứu đã nhanh chóng ấn chuông, phát đi tín hiệu báo động đỏ. Chưa đầy 25 phút sau, bác sĩ các khoa Ngoại, gây mê hồi sức, ngân hàng máu…đã hội tụ tại phòng mổ của Bệnh viện để phẫu thuật cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ thành công tốt đẹp. Em bé được cứu sống và 2 tuần sau xuất viện.
Mới đây nhất là một ca “báo động đỏ liên viện” đáng nhớ của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Quận Thủ Đức TPHCM. Bệnh nhân là bé N.T.P.N (10 tuổi) được đưa đến Bệnh viện Quận Thủ Đức ngày 20/10/2015 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở và đa thương. Bé bị vỡ lách độ IV, rách cơ hoành, rách động mạch vùng chậu, đứt hoàn toàn cơ thắt lưng chậu trái, dập thận trái và tràn máu màng phổi. Do tình trạng bệnh nhân quá nặng, các bác sĩ Bệnh viện Quận Thủ Đức đã quyết định không chuyển bé lên bệnh viện tuyến trên mà phát đi báo động đỏ, nhờ sự giúp sức của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 có mặt, đồng hành cùng các bác sĩ Bệnh viện Quận Thủ Đức, thực hiện ca phẫu thuật khẩn cấp. Ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ đã thành công. Em bé được cứu sống và hiện tại, sức khỏe đã ổn định.
Theo TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, để thực hiện được quy trình phản ứng “siêu khẩn cấp” này, các bác sĩ đã phải vượt qua khá nhiều rào cản tư tưởng. Đó là lòng tự ái của bác sĩ khi nhấn nút báo động đỏ - “tại sao lại phải gọi bác sĩ khác” hay tâm lý sợ những lời chê trách: “tại sao để bệnh nhân nặng quá”…Tuy nhiên, đặt tính mạng người bệnh lên hàng đầu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã đưa ra biện pháp khắc phục bằng sự trao quyền cho nhân viên y tế và xây dựng quy trình phối hợp, làm việc nhóm…
Bác sĩ Minh chia sẻ, quy trình báo động đỏ có thể được áp dụng ở mọi cơ sở y tế, tùy thuộc vào nguồn lực tại chỗ của cơ sở đó, mục tiêu cao nhất là giữ được tính mạng cho bệnh nhân. Quy trình này nếu được áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện xa trung ương thì càng tốt bởi bệnh nhân được cấp cứu tại chỗ bao giờ cũng có tác dụng nhiều hơn là chuyển lên bệnh viện tuyến trên, tận dụng được từng giây khắc vàng trong cấp cứu.