Y tế TP.HCM định hướng đẩy mạnh phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình
TP.HCM nằm trong số 8 địa phương trên cả nước tiên phong triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) từ năm 2013. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có hơn 240 phòng khám BSGĐ tại bệnh viện quận - huyện, trạm y tế phường - xã và phòng khám đa khoa tư nhân.
Đáng chú ý, các phòng khám được đầu tư xây dựng hạ tầng đạt chuẩn, nhưng lại thiếu trang thiết bị khám chữa bệnh đi kèm. Khảo sát một số phòng khám BSGĐ tại các quận, huyện, trạm y tế ngoại thành cho thấy chỉ có một số thiết bị thông thường như ống nghe, nhiệt kế, máy đo đường huyết...
Danh mục thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân còn hạn hẹp về số lượng, chủng loại, thậm chí một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, hen phế quản chưa được cấp. Tại trạm y tế, phòng khám BSGĐ ngoài công lập chưa được khám bảo hiểm y tế trái tuyến.
Nhiều phòng khám BSGD được đầu tư xây dựng hạ tầng đạt chuẩn và đang dần đầu tư trang thiết bị. |
Trước phản ánh của người dân về việc mô hình phòng khám BSGĐ vẫn chưa được hoàn thiện, khiến người dân chưa tin tưởng, PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng - Trưởng Phòng khám BSGĐ (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), cho rằng mô hình còn một số vấn đề bất hợp lý cần được sớm cải tổ.
“Một bệnh nhân tin tưởng bác sĩ tại cơ sở nhưng thuốc phải lên tuyến trên để lấy sẽ gây ra nhiều bất tiện cho bệnh nhân. Vì vậy, cần phải đưa thuốc về phòng khám để người dân được cung ứng tại chỗ. Thậm chí có thể liên thông danh mục bảo hiểm y tế với nhà thuốc đạt chuẩn GPP để người dân có thể đến bất kỳ nhà thuốc nào trong hệ thống của mình lấy thuốc, như mô hình nước ngoài đã làm. Đó mới đúng tinh thần đem dịch vụ đến tận người dân để người dân không cần đi đâu xa vẫn được giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp cho hay.
Còn theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân gốc rễ làm cho trạm y tế chưa thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu là do thiếu bác sĩ, thiếu thuốc, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị không đáp ứng mong đợi, trách nhiệm phối hợp giữa bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện cho hoạt động khám chữa bệnh ban đầu của trạm y tế chưa tốt, thiếu sự kết nối và hỗ trợ giữa các tuyến khám chữa bệnh và việc liên thông thẻ bảo hiểm y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh còn nhiều bất cập.
Theo nhận định của PGS.TS Tăng Chí Thượng, mô hình phân bố số lượt khám bệnh tại các cơ sở y tế ở thành phố là mô hình hình tháp ngược trong khi tại các nước phát triển trong khu vực là hình tháp thuận. Nghĩa là số lượt khám chữa bệnh ban đầu tập trung ở y tế cơ sở như các phòng khám của bác sĩ tổng quát, thường gọi là GP (General Practition) tại các nước như Úc, Anh, Mỹ… hay bác sĩ gia đình (Family Doctor) tại Pháp và một số nước ở Châu Âu. Mô hình tháp ngược này đã cho thấy tình trạng quá tải tại các khoa khám bệnh của các bệnh viện thành phố trong nhiều năm qua với nhiều lý do, tuy nhiên trong đó lý do quan trọng nhất là người dân chưa thật sự tin tưởng vào năng lực chuyên môn trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của y tế cơ sở.
Hiện hệ thống y tế thành phố có 13 bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ ngành khác; 31 bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối; 23 bệnh viện quận, huyện; 36 bệnh viện tư; 186 phòng khám đa khoa tư nhân. Do đó, người dân có nhiều chọn lựa khi có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh. Thêm một thách thức lớn cho y tế cơ sở thu hút người dân đến khám chữa bệnh là từ 1/1/2016 người tham gia BHYT được quyền chọn lựa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tuyến quận huyện.
Để cải tổ được điều này, ông Thượng cho rằng cần đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế: Phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện; Thí điểm đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình; Đào tạo cập nhật kiến thức bác sĩ gia đình, bác sĩ thực hành tổng quát và luân phiên bác sĩ từ bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện xuống trạm y tế.
Bên cạnh đó, cần thiết lập quy chế phối hợp ràng buộc trách nhiệm giữa trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện trong hoạt động hỗ trợ cho trạm y tế; Xã hội hóa một số hoạt động cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế; Kết nối và hỗ trợ của tuyến trên, không để trạm y tế “đơn lẻ” trong hoạt động khám chữa bệnh; Tích hợp quản lý sức khỏe người dân trong hoạt động khám chữa bệnh ban đầu.