Ý nổi giận với Anh về vụ giải cứu con tin ở Nigeria
Ý nổi giận với Anh về vụ giải cứu con tin ở Nigeria
Hai con tin gồm 1 người Anh và 1 người Ý đã bị bọn bắt cóc bắn chết khi quân đội Anh-Nigeria tiến hành giải cứu họ. |
“Việc chính quyền Anh không thông báo hay bàn bạc với Ý về kế hoạch giải cứu là điều thực sự không thể lí giải được”, Tổng thống Ý, Giorgio Napolitano phát biểu trước các phóng viên một ngày sau vụ giải cứu.
“Cần phải có lời giải thích cả về mặt chính trị và ngoại giao”, ông nói.
Những nhận xét của ông Napolitano đã phản ánh sự giận dữ của Ý về vụ giải cứu vụng về của Anh. Các nhân chứng ở vùng Sokoto miền tây bắc Nigeria mô tả thành phần tham gia cuộc giải cứu của Anh và Nigeria gồm 100 binh sĩ, xe tải quân đội và một trực thăng.
Các nhân chứng cho hay họ chứng kiến một trận đấu súng nảy lửa kéo dài trong vài giờ đồng hồ và ít nhất hai kẻ bắt cóc đã bị tiêu diệt trong cuộc giải cứu.
Phía Anh cho biết kỹ sư người Ý Francesco Molinara, 48 tuổi và người đồng nghiệp quốc tịch Anh Chris McManus, 28 tuổi, đã bị những kẻ bắt cóc bắn chết khi quân Anh và Nigeria tấn công.
Các nhân chứng nghi ngờ nhận định của Tổng thống Nigeria, Goodluck Jonathan rằng những kẻ bắt cóc là thành viên của lực lượng Hồi giáo Boko Haram, lực lượng đã tiến hành nhiều hoạt động bạo lực chủ yếu ở khu vực đông bắc của nước này.
Tổ chức khủng bố Al-Qaeda trong những năm gần đây đã tuyên bố bắt cóc nhiều công nhân nước ngoài ở nhiều nước trong đó có Niger, nước láng giềng của Nigeria, nhưng chưa bao giờ tiến hành bắt cóc ở nước này.
Tờ nhật báo bán chạy hàng đầu của Ý, Corriere della Sera nhận xét trong một bài xã luận: “Tấm thảm kịch diễn ra ở Nigeria là không thể tin nổi. Rõ ràng là người Ý đã bị làm cho bẽ mặt. Đây thực sự là một cái tát vào mặt không thể chấp nhận được và chỉ nói xin lỗi không là chưa đủ”.
“Nước Anh vẫn đang ứng xử với sự hoài niệm về thời đế quốc huy hoàng. Về mặt quân sự, nước Anh đã hành động như kẻ bề trên”, tờ báo bình luận.
Tờ nhật báo Repubblica thì cho rằng vụ việc này là “một đòn giáng vào uy tín quốc tế của Ý” và tờ Il Sole 24 Ore trích lời một nguồn tin từ chính phủ Ý rằng “quan hệ giữa Rome và Luân Đôn đang đóng băng”.
Trong khi đó, Thủ tướng Ý Mario Monti đang tham gia các cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Giulio Terzi ở Rome để thảo luận về cuộc giải cứu thất bại này.
Một thông báo cho hay trong cuộc họp “đã có sự kiểm tra kỹ lưỡng thông tin do các cơ quan an ninh thu thập được” về vụ việc này.
Chính quyền Ý cho hay ông Monti chỉ được Thủ tướng Anh Cameron thông báo vụ giải cứu đang diễn ra khi ông đang bay từ thủ đô Belgrade, Serbia về Rome.
Hôm qua, phát ngôn viên của ông Cameron đã xác nhận điều này.
“Ngày hôm qua, chúng tôi đã thông báo cho phía Ý rằng cuộc giải cứu đang được tiến hành, nhưng đó là một tình huống diễn ra vô vùng nhanh chóng”, ông này phát biểu.
Phát biểu tại Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, Ngoại trưởng Anh William Hague cho hay nước Anh bị “hạn chế về thời gian” và gặp quá nhiều “sức ép” nếu phải bàn bạc với Ý.
Hôm thứ Năm, chính quyền Ý cho hay họ đã sẵn sàng hợp tác với Anh và Nigeria kể từ khi hai con tin này bị bắt cóc nhưng quyết định giải cứu họ đã bị đẩy nhanh hơn mong đợi.
Nhà nghiên cứu Raffaello Matarazzo từ Viện quan hệ quốc tế ở Rome cho rằng việc Ý không được tham gia vào việc ra quyết định là “một sự cố ngoại giao nghiêm trọng”.
Sự cố này “xảy ra trong lúc Ý đang cải thiện hình ảnh của mình trên trường quốc tế và chính quyền đang nỗ lực khôi phục niềm tin từ các đối tác châu Âu”, ông phân tích.
Thủ tướng Anh Cameron cho biết hai con tin đã bị “những kẻ khủng bố” bắt cóc và chúng đã “đe dọa rất rõ ràng sẽ lấy mạng sống của họ” và hành động bắt giữ đã “ngày càng trở nên nguy cấp”.
Tổng thống Nigeria cho hay một số kẻ bắt cóc đã bị bắt giữ.
Trong một đoạn băng về hai con tin hồi tháng 8 năm ngoái, cả hai người này đều nói rằng họ bị Al-Qaeda bắt cóc.
Trong đoạn băng thứ hai được công bố tháng 12, các tay súng đe dọa sẽ hành quyết McManus nếu yêu cầu của chúng không được thực hiện.
Hai con tin đã bị một nhóm có vũ trang xông vào căn hộ của họ và bắt cóc vào hồi tháng 5, 2011. Họ đến Nigeria để giúp xây dựng một tòa nhà của ngân hàng trung ương và làm việc cho công ty xây dựng Stabilini Visinoni.
Lê Dung