Ý đồ sau thương vụ Trung Quốc bán 2 tàu ngầm cho Bangladesh
Tàu ngầm lớp Ming (Type 035) của Trung Quốc |
Theo tờ New Age, Bangladesh đang hoàn tất các khâu cuối cùng trong thỏa thuận mua 2 tàu ngầm lớp Ming từ Trung Quốc.
Hồi tháng Giêng, Thủ tướng Bangladesh - Sheikh Hasina đã lần đầu tiên công bố quốc gia này sẽ tái thiết chương trình mua các tàu ngầm nhằm hiện đại hóa lực lượng quân sự. Vào thời điểm đó, bà Hasina không công bố thông tin chính xác Bangladesh sẽ mua tàu ngầm của quốc gia nào song giới chức quân sự nước này tiết lộ họ đang đàm phán với phía Trung Quốc.
Tờ New Age nhấn mạnh bản hợp đồng mua 2 tàu ngầm của Trung Quốc trị giá 203,3 triệu USD hiện đang chờ kết quả phê chuẩn cuối cùng từ Bộ Tài chính Bangladesh.
Theo đó, Bangladesh sẽ chi trả khoản tiền trên trong năm tài khóa 2017 – 2018 và các tàu ngầm sẽ được chuyển giao vào năm 2019. Hiện nay, 17 thủy thủ Bangladesh đang được đào tạo để điều khiển 2 tàu ngầm mua từ Trung Quốc. Trước đó, Hải quân Bangladesh đã mua đất tại hòn đảo Kutubdi để xây dựng một căn cứ tàu ngầm.
Tàu ngầm lớp Ming (Type 035) là thế hệ tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện dựa trên nguyên mẫu tàu ngầm lớp Romeo do Liên Xô cũ thiết kế trong thập niên 50.
Tuy nhiên, hiện nay, các tàu ngầm lớp Ming đã được cải tiến hơn rất nhiều so với nguyên mẫu. Theo đó, Bangladesh sẽ mua 2 tàu ngầm lớp Ming Type 035G – thế hệ tàu ngầm lớp Ming cải tiến mới nhất. Theo Global Security, trong giai đoạn 1997 – 2001, Trung Quốc đã đóng 6 chiếc loại này.
Thủ tướng Hasina từng công bố ưu tiên hàng đầu của Bangladesh là xây dựng một "lực lượng hải quân ba chiều". Hồi tháng Một, bà tuyên bố: "Chúng ta sẽ xây dựng một lực lượng hải quân ba chiều cho thế hệ tương lai với khả năng đối mặt với mọi thách thức trong trận chiến hàng hải".
Việc Bangladesh quyết định mua hai tàu ngầm của Trung Quốc được xem là không mấy ngạc nhiên trong bối cảnh lâu nay, Dhaka đã dựa vào nguồn cung thiết bị quân sự từ Bắc Kinh. Năm 2012, Bangladesh trở thành thị trường lớn thứ hai sau Pakistan nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc.
Tuy nhiên, động thái này đang gây quan ngại sâu sắc cho quốc gia láng giềng của Bangladesh - Ấn Độ. Hiện nay, New Dehli đang lo ngại Trung Quốc ngày càng gây dựng tầm ảnh hưởng tới khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Những thông tin liên quan tới các cuộc đàm phán mua bán tàu ngầm giữa Bangladesh và Trung Quốc đã khiến Tư lệnh Hạm đội phía Đông của Ấn Độ tăng cường sự hiện diện tại Vịnh Bengal, tờ Times of India tiết lộ hồi đầu tháng này.
Tờ Times of India dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao Ấn Độ cho biết: "Vì sao Bangladesh cần mua tàu ngầm? Quyết định mua tàu ngầm của chính phủ Bangladesh và nguy cơ xảy ra xung đột đang khiến chúng tôi lo ngại. Chúng tôi nghĩ rằng các tàu ngầm Trung Quốc đang tìm mọi cách xâm nhập vào vùng lãnh hải của Ấn Độ trên Vịnh Belgan. Đây là lý do để Hải quân Ấn Độ tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Hiện nay, Ấn Độ chưa sẵn sàng đối phó với bất cứ cuộc xung đột nào tại khu vực Vịnh Belgan gần với bang Tây Belgan do thiếu cơ sở hạ tầng".
Do đó, hiện nay, Hải quân Ấn Độ dự định mua lại quần đảo Sagar và xây thêm một cầu cảng mới. Tại bang Tây Bengal, Ấn Độ cũng đang triển khai xây dựng một căn cứ máy bay không người lái tại thành phố Kolkata.
Lâu nay, Bangladesh luôn vướng vào những tranh chấp lãnh hải với Ấn Độ và Myanmar trên Vịnh Belgan. Năm 2009, Bangladesh đã kiện Ấn Độ lên Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc liên quan tới tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước. Phiên xử diễn ra từ ngày 9 – 18/12 và quyết định cuối cùng sẽ được công bố vào năm tới.