Xung đột Syria sắp tàn cuộc, chỉ còn Mỹ không cam tâm?
Cuộc nội chiến ở Syria được cho là rất phức tạp bởi nó có sự can thiệp của rất nhiều bên ngoài với nhiều lợi ích khác nhau. Phương Tây cho rằng, đối với Iran, lợi ích tối thượng là bảo vệ "trăng lưỡi liềm Shia", một khu vực mà người Hồi giáo Shia thống trị ở Trung Đông trải dài từ Lebanon tới Syria và Iraq. Đây cũng là khu vực giúp Iran đảm bảo đường giao tiếp của Tehran với các đồng minh. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, lợi ích đó là duy trì ảnh hưởng trong khu vực, bảo vệ người Turkmen thiểu số ở Syria và ngăn chặn ý đồ thống nhất lãnh thổ của người Kurd bởi nó sẽ làm suy yếu sự kiểm soát của chính phủ đối với các khu vực người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, các chế độ quân chủ vùng Vịnh Ả Rập muốn kiềm chế ảnh hưởng của Iran và bảo vệ lợi ích của người Sunni Ả Rập , chống lại chính phủ Shia ở Iraq và chế độ Alawite thiểu số ở Syria. Cuối cùng, Nga muốn bảo vệ ảnh hưởng ở Syria, tái khẳng định vị thế ở Trung Quốc và chứng minh rằng Moscow có thể bảo vệ nhiều nước ở đây khỏi các âm mưu lật đổ chính phủ do Mỹ hỗ trợ. Nếu ông Bashar al-Assad vẫn còn tại vị ở Damascus sau khi Tổng thống Barack Obama rời khỏi Nhà Trắng đó sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng quan trọng của Moscow.
Xung đột Syria sắp tàn cuộc, chỉ còn Mỹ không cam tâm? |
Tuy nhiên, theo TNI, mặc dù đang cố bảo vệ các lợi ích khác nhau ở Syria nhưng các cường quốc vẫn phải hợp tác vì lợi ích chung khác. Ví dụ, họ sẽ phải cùng chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bởi tổ chức này đe dọa đến tất cả các lợi ích của họ. Hay như, các nhà sản xuất dầu sẽ cần hợp tác cùng nhau để đẩy giá dầu. Nga, Iran và Ả Rập Xê –út sẽ cần một kế hoạch chung để điều chỉnh sản lượng của họ.
Hơn nữa, dù Nga và Iran đang hỗ trợ để củng cố vị trí của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng họ sẽ không sẵn sàng trả giá để giúp ông khôi phục sự kiểm soát toàn bộ Syria. Cùng với đó, vị trí của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang khá vững chắc. Không còn có chuyện ông phải tự động ra đi hay ông đang bên bờ vực bị lật đổ.
Theo TNI, với những nguyên nhân trên có thể thấy, dù cuộc nội chiến ở Syria vẫn còn rất nan giải nhưng dường như nó sẽ không thể “bùng cháy” dữ dội nữa. Các bên liên quan đã có những bước đi đầu tiên để chuẩn bị cho giai đoạn tàn cuộc ở Syria. Nga đã nhiều lần tuyên bố tạm dừng các cuộc không kích ở Aleppo và dường như đã ngầm bằng lòng với Thổ Nhĩ Kỳ về việc thiết lập một khu vực an ninh nhỏ ở miền bắc Syria với một vùng cấm bay tương ứng trên đó.
Nội chiến đã tàn phá kinh hoàng Syria. |
Nhiều hành lang khác nhau xung quanh Aleppo cũng đã được thành lập để phục vụ cho mục đích viện trợ nhân đạo vào các thành phố bị bao vây. Về phần mình, sau hơn một năm tăng cường sản xuất dầu mỏ để giảm giá dầu, gây thiệt hại kinh tế Nga với mục tiêu trừng phạt Nga vì đã ủng hộ cho ông Assad ở Syria, nhưng giờ Ả-rập Xê-út (cùng với Qatar) lại đang có ý tưởng thành lập mức sàn cho giá dầu vì giá dầu sụt giảm cũng đã gây hao hụt không nhỏ cho nguồn tiền của nước này.
Trong khi đó, Mỹ dường như vẫn chưa sẵn sàng cho tàn cuộc của xung đột Syria. Hôm 3/11, tờ Sputnik của Nga dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, Washington đã bắt đầu triển khai kế hoạch B tại Syria. Theo đó, Mỹ sẽ sử dụng vùng Đông bắc Syria, hiện do quân nổi dậy kiểm soát, làm quân bài chính trong các cuộc thương lượng về tương lai Syria.
Ngoài ra, mặc dù hè vừa qua, Mỹ và Nga đã đạt được một số thỏa thuận, nhưng Mỹ vẫn chưa thành lập các hành lang cho các nhóm đối lập rút khỏi Đông Aleppo. Điều này đồng nghĩa với việc các lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn vẫn đang muốn chờ thời cơ chiếm lại Aleppo. Aleppo có vị trí chiến lược và được coi là biểu tượng của cuộc nội chiến ở Syria. Do vậy, bên nắm bắt được khu vực này sẽ có lợi thế chiến lược trong việc quyết định tương lai của Syria.
Mỹ dường như đang muốn chia Syria thành vùng phía Bắc - Đông Bắc do quân nổi dậy kiểm soát và phía Tây do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, để biến kế hoạch này thành sự thật, Mỹ phải đánh bại được cả IS và đây thực sự là một thử thách lớn. Hơn nữa, các nhóm nổi dậy đang đóng ở Syria đang rất yếu thế. Quân đội Syria đã bao vây họ từ mọi phía. Họ bị cắt các nguồn chi viện, nên sẽ không thể phản kháng lại.