Xung đột Libya càng ngày càng nóng, cộng đồng quốc tế "hoang mang"
Trong lúc này, Liên Hợp Quốc đã ra yêu cầu ngừng bắn tạm thời để tạo điều kiện cho những người dân bị thương được sơ tán. Vài tiếng trước, Mỹ tuyên bố họ sẽ rút bớt một số binh sĩ khỏi Libya với lý do “tình trạng an ninh ngày càng xấu đi”. Ấn Độ cũng rút về một nhóm binh sĩ gìn giữ hòa bình của nước này do căng thẳng ở Libya.
Binh lính lực lượng LNA của Libya đang tiến quân về Tripoli. |
Lúc này, lực lượng LNA của tướng Haftar vẫn tiếp tục đẩy mạnh tấn công thủ đô Tripoli từ nhiều phía nhằm tìm cách lật đổ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận. Mặc dù những nỗ lực nhằm khiến GNA sụp đổ ngay lập tức đã không đạt được kết quả, song ông Haftar vẫn tiếp tục đẩy mạnh cuộc xung đột này và có thể sẽ khiến những hoạt động hòa giải của Liên Hợp Quốc bị phá hỏng.
Mỗi bên đã đưa ra những phát ngôn trái chiều về tình hình thương vong của nhau. LNA cho biết các binh lính của GNA đang đầu hàng, song một phát ngôn viên của GNA mới đây tuyên bố rằng một cuộc phản công nhằm vào lực lượng của ông Haftar đã được bắt đầu. Vị phát ngôn viên này cho biết chiến dịch của GNA sẽ “thanh trừng những phần tử gây hấn và các thế lực vũ trang bất hợp pháp khỏi các thành phố của Libya”.
LNA cho biết họ đã tiến hành cuộc không kích đầu tiên nhằm vào một khu vực ngoại ô thủ đô Tripoli, bất chấp lời kêu gọi chấm dứt các hoạt động vũ lực của cộng đồng quốc tế. Cả hai bên đã tiến hành không kích liên tục, và người dân ở Tripoli cho biết rất nhiều đợt pháo kích cũng đã xảy ra và gây hư hại nặng đối với nhiều nhà cửa trong khu vực.
Lực lượng LNA cũng tuyên bố rằng họ đã chiếm được sân bay quốc tế Tripoli, nằm ở phía nam của thủ đô, nhưng GNA đã phủ nhận thông tin này và cho đến nay giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra tại đây.
Phát biểu trước một hội đồng của EU tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 8/4, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết ông sẽ “sử dụng mọi kênh liên lạc có thể để khuyến khích kiềm chế hành động vũ lực và tránh đổ máu”, và rằng “không gì có thể biện hộ cho hành vi tấn công Tripoli của LNA”.
Những lời kêu gọi áp đặt trừng phạt lực lượng Haftar đã lần đầu tiên xuất hiện. Dự kiến Cao ủy Các vấn đề Đối ngoại của EU là bà Federica Mogherini sẽ tìm cách kêu gọi thành lập một mặt trận chung trong một cuộc họp của hội đồng đối ngoại EU trong ngày 8/4. Lúc này, Italy và Pháp đang có bất đồng do Tổng thống Emmanuel Macron từng ủng hộ lực lượng của ông Haftar trong quá khứ.
Thủ tướng thuộc chính quyền GNA là ông Fayez al-Sarraj đã chỉ trích ông Haftar phản quốc, đồng thời lên án việc Pháp đứng về phía của ông Haftar với Đại sứ quán Pháp ở Tripoli. Dù vậy, ông Macron đã có cuộc trao đổi với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và điện Elysee khẳng định Tổng thống Pháp đã kêu gọi các bên kiềm chế.
Hi vọng để một lệnh ngừng bắn được áp dụng ở Libya giờ đây phụ thuộc vào những quốc gia đang hậu thuẫn cho LNA, trong đó có Ai Cập, Ả Rập Xê út và UAE để yêu cầu ông Haftar rút quân. Ông Haftar đã yêu cầu rằng ông này muốn là tổng tư lệnh quân đội Libya và không bị bất kỳ thể chế nào kiểm soát, và mặc dù ông Sarraj khẳng định đã nhượng bộ đối với một số điều kiện về cơ chế bộ máy nhà nước ở Libya trong tương lai, song ông Haftar đã không thực thi những điều kiện mà phía GNA mong muốn.
Giờ đây, ông Sarraj đang đối mặt với hai lựa chọn, hoặc là bảo vệ thủ đô Tripoli và chờ đợi cộng đồng quốc tế gây sức ép để buộc quân đội của tướng Haftar rút lui, hay tự động tiến hành chiến dịch quân sự, làm leo thang xung đột ở Libya và có thể đánh mất sự ủng hộ của các nước trên thế giới.