Xúc động người mẹ trẻ chiến đấu với ung thư dạ dày giai đoạn muộn để giữ con
Vợ chồng chị D. lần đầu được gặp con sau ca đại phẫu. |
ThS.BS Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cho biết, bệnh nhân V.T.D (30 tuổi, ngụ tại Chư Sê, Gia Lai) nhập viện trong tình trạng nôn ói liên tục, suy kiệt hoàn toàn, có thai 28 tuần. Kết quả nội soi dạ dày cho thấy, bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn, xâm nhiễm cứng sang các cơ quan khác như gan, tụy, vòm hoành, môn vị bị tắc hoàn toàn dẫn đến bệnh nhân không thể ăn uống được gì, ói ra máu, xuất huyết tiêu hóa.
Chồng chị D. cho biết, hai vợ chồng mới cưới 8 tháng và đây là đứa con đầu tiên của hai người. Trong 3 tháng đầu có thai, vợ anh ói rất nhiều và sụt gần 3kg, gia đình nghĩ đây chỉ là triệu chứng nghén thông thường nên không đi khám. Cho đến khi chị có thai đến tuần 27 mà tình trạng nôn ói không thuyên giảm, sụt từ 48kg xuống còn 35kg, đi khám tại bệnh viện địa phương thì chỉ được nói là suy nhược do mang thai.
Lúc nhận được kết quả chẩn đoán ung thư dạ dày, cả hai vợ chồng đều sốc, thậm chí đã có lúc chị D. đã nghĩ đến chuyện tự tử nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng, mong cho con chào đời, chị đã cố gắng vì con.
BS Dung cho biết, lúc này thai nhi còn quá non, nếu chấm dứt thai kỳ thì khả năng sống của bé rất thấp. Hội chẩn liên khoa Ngoại tiêu hóa, Dinh dưỡng, Hóa trị, Phụ sản, Nhi, các bác sĩ đã cố gắng tìm mọi cách để giữ thai kỳ đến 30 tuần. Bệnh nhân được khẩn cấp điều trị nội, truyền máu, chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để nâng đỡ thai, truyền chất hỗ trợ phổi cho thai nhi và tăng cường sức lực cho thai phụ vì lúc này chị không thể ăn uống qua đường miệng.
Đến ngày 5/7, khi thai nhi được 31 tuần, ca mổ bắt thai và phẫu thuật dạ dày đã diễn ra. Em bé 1,5kg chào đời suôn sẻ và được chuyển ngay sang Bệnh viện Nhi đồng để chăm sóc tích cực. Về phần người mẹ, do dạ dày bị xâm lấn và chảy máu rất nhiều nên các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa đã tiến hành cắt toàn bộ dạ dày. Ca phẫu thuật thành công, hiện tại người bệnh đã ăn uống được trở lại và sức khỏe tiến triển tốt.
BS Dung cho biết, lúc đầu bệnh viện chỉ cố gắng làm sao kéo dài thai kỳ để giữ được đứa con chứ không hy vọng cứu được người mẹ vì tình trạng người mẹ lúc đó quá suy kiệt. Cuối cùng cứu được cả hai mẹ con là kết quả ngoài mong đợi của các bác sĩ.
Ngày 17/7, lần đầu tiên chị D. đã được sang Bệnh viện Nhi đồng để gặp con. Hai vợ chồng không kìm được xúc động và niềm vui khi cầm bàn tay nhỏ bé của đứa con đầu. Cậu bé phát triển tốt, không phải thở máy, tăng cân và bú được 30ml sữa.
ThS.BS Võ Duy Long, Phó khoa Ngoại tiêu hóa cho biết, hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh là sẽ hóa trị sau 1 tháng nữa theo đúng phác đồ, hy vọng sẽ kéo dài thêm sự sống của người mẹ.
Tuy nhiên, quá trình điều trị cũng như chăm sóc đứa con thiếu tháng còn rất dài, trong khi chị D. chỉ là giáo viên, chồng làm nông nên rất khó khăn. Phòng công tác xã hội của bệnh viện đang kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội cùng chung tay giúp đỡ cho mẹ con chị D., giúp chị kéo dài thời gian sống bên con mình.