Xử phúc thẩm vụ chạy thận ở Hòa Bình: Số người chết là bao nhiêu?
Tại phiên tòa phúc thẩm vụ chạy thận do TAND tỉnh Hòa Bình xét xử, luật sư Bùi Việt Anh (bào chữa cho cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Khiếu) và luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (bào chữa cho cựu Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn) yêu cầu HĐXX triệu tập cơ quan điều tra để làm rõ số lượng 8 hay 9 nạn nhân tử vong do sự cố y khoa trong chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một công bố chính thức mang tính thống nhất về số nạn nhân tử vong trong sự cố y khoa ngày 29/5/2017. Theo hồ sơ vụ án, số nạn nhân tử vong là 8 người gồm:
Đinh Thị Thu Hằng, sinh năm 1981, trú tại xã Sủi Ngòi, thành phố Hòa Bình; Bùi Văn Chính, sinh năm 1967, trú tại An Lạc, Lạc Thủy, Hòa Bình; Lê Thị Chung, sinh năm 1959, trú tại phường Tân Hoa, thành phố Hòa Bình; Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1953, trú tại phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình; Bùi Văn Huyển, sinh năm 1971, trú tại Tân Phong, Cao Phong, Hòa Bình; Quách Thị Phượng, sinh năm 1948, trú tại xã Hợp Thanh, Lương Sơn, Hòa Bình; Bùi Văn Pơi, sinh năm 1956, trú tại Địch Giáo, Tân Lạc, Hòa Bình; và Nguyễn Thị Bích Nguyên, sinh năm 1972, trú tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Trong khi đó, Bản án sơ thẩm số 08/2019/HS-ST ngày 30/01/2019 do TAND TP Hòa Bình tuyên lại thể hiện có 9 người tử vong do sự cố y khoa này.
Các bị cáo có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. |
Thông tin về nạn nhân thứ 9 lần đầu được công bố tại phiên sơ thẩm lần 1 (tháng 5/2018) do luật sư đại diện của các gia đình bị hại đưa ra. Nạn nhân này tử vong sau 6 tháng kể từ ngày xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017. Từ đó đến nay, luôn có sự bất nhất giữa những người tham gia tố tụng khi nói đến số lượng nạn nhân.
Theo luật sư Đinh Hương, việc xác định 8 hay 9 người chết ảnh hưởng đến mức độ hậu quả của vụ án. Tính chất, mức độ của vụ án sẽ nghiêm trọng hơn nếu hậu quả nhiều hơn.
Tuy nhiên, cho đến cuối ngày xét xử thứ hai, 13/6, khi đã kết thúc phần xét hỏi, vẫn chưa thấy HĐXX có động thái triệu tập cơ quan điều tra đến tòa để làm rõ những thắc mắc trên.
Các luật sư một lần nữa nhắc lại đề nghị triệu tập điều tra viên. Chủ tọa Nguyễn Văn Vận tỏ ra gay gắt:
“Các luật sư muốn làm rõ vấn đề thì phải có công văn đề xuất lên HĐXX để HĐXX triệu tập điều tra viên. Các luật sư gửi câu hỏi đề nghị HĐXX hỏi điều tra viên, luật sư không có quyền yêu cầu thẩm vấn điều tra viên. Nếu thấy cần thiết chúng tôi sẽ triệu tập điều tra viên và luật sư yêu cầu HĐXX hỏi điều tra viên”.
Đáp lại, luật sư Việt Anh cho rằng các luật sư chỉ đề nghị HĐXX đặt ra câu hỏi đối với điều tra viên chứ luật sư không hỏi. Luật sư cũng cho biết sẽ gửi văn bản đến HĐXX vào sáng hôm sau (ngày 14/6 - PV).
Qua hai ngày xét xử, các luật sư cũng có yêu cầu về việc HĐXX “vi phạm tố tụng” trong phần thẩm vấn. Luật sư Bùi Việt Anh cho rằng HĐXX đã làm thay việc của Viện Kiểm sát khi liên tục phân tích hành vi của các bị cáo và đưa ra nhận định.
Luật sư Đinh Hương cũng có yêu cầu đề nghị HĐXX không phân tích nhận định trong phần thẩm vấn vì cho rằng Chủ tọa Nguyễn Văn Vận “luôn đưa ra các thông tin không đúng sự thật không có trong hồ sơ vụ án” để yêu cầu bị cáo trả lời có hay không.
Tại phiên tòa, luật sư Thúy Quỳnh, luật sư đại diện cho các gia đình nạn nhân, đề nghị HĐXX yêu cầu bị đơn dân sự tăng mức bồi thường mai táng phí theo chi phí thực tế của địa phương, đồng thời tăng tiền cấp dưỡng nuôi con nhỏ cho những nạn nhân có con dưới 18 tuổi. Đây cũng là nội dung kháng cáo của các gia đình nạn nhân.