Xử lý nghiêm nếu chủ quan với siêu bão Haiyan!

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống siêu bão Haiyan (đóng tại Đà Nẵng) chiều 9/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tỉnh thành nào, bộ ngành nào, đơn vị nào chủ quan, gây thiệt hại phải xử lý nghiêm!".

Công phu, tích cực và quyết liệt!

Đánh giá tình hình chung sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và nghe báo cáo của các bộ ngành, địa phương liên quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 và đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị các tỉnh, thành trong khu vực đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, sáng tạo và quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng ngày 7/11 vừa qua.

Xử lý nghiêm nếu chủ quan với siêu bão Haiyan! - ảnh 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình chuẩn bị ứng phó với siêu bão Haiyan tại các địa phương miền Trung. (Ảnh: HC)

Theo báo cáo nhanh số 01 của Ban chỉ đạo tiền phương, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên có kế hoạch sơ tán, di dời với số lượng dự kiến khoảng 184.532 hộ/683.922 người ở các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập lụt thuộc 69 huyện, thị đến nơi an toàn. Tính đến 15h chiều 9/11 các địa phương đã thực hiện đạt 50 - 70% kế hoạch.

Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương cũng đã thông báo, kêu gọi, hướng dẫn và sắp xếp neo đậu cho 85.305 tàu với 387.681 lao động. Hiện còn 148 tàu/1.898 lao động ở khu vực giữa biển Đông (từ vĩ độ 10 đến 15, bao gồm cả quần đảo Trường Sa); 37.833 tàu/164.432 lao động ở khu vực từ Thanh Hoá đến Bình Định; 47.325 tàu/221.267 lao động hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại các bến. Các tàu này cũng đã tránh trú an toàn và hiện không còn tàu ở vùng nguy hiểm trên biển.

"Cái này công phu, tích cực, quyết liệt lắm. Có thể nói hệ thống chính trị ở các địa phương, các bộ, ngành trọng điểm của TƯ đã thể hiện thái độ rất trách nhiệm trước một siêu bão lớn, nguy cấp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người dân, kể cả trong công tác dự báo, trong việc điều hành cụ thể, đặc biệt là tăng cường phương tiện, lực lượng cần thiết đến giờ phút này cho việc phòng chống bão!" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bão đang áp sát dọc biển miền Trung

Tuy nhiên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ: "Nhưng chúng tôi cũng nhận định đây mới là bước đầu. Chẳng hạn đến nay mới có trên 70% dân ở các vùng nguy hiểm được sơ tán đến nơi an toàn. Đâu đó vẫn còn ngư dân chưa chịu rời khỏi tàu thuyền; người dân ở trong các nhà cấp 4 vẫn còn và đang phải tiếp tục vận động để đi nốt. Tình hình này phải được tiếp tục xử lý từ nay đến tối, trước khi bão vào".

Xử lý nghiêm nếu chủ quan với siêu bão Haiyan! - ảnh 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi người dân sơ tán tránh bão. (Ảnh: HC)

Về tư tưởng chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bão Haiyan đang có hướng di chuyển rất phức tạp. Trong 24h tới bão đi theo hướng Tây Tây Bắc khoảng 30 - 35km/h. Tâm bão có khả năng vào vùng biển từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị. Cấp bão tuy có xuống nhưng vẫn ở mức 12 - 14, giật cấp 15 - 16, nghĩa là vẫn còn ở mức siêu bão chứ không phải bình thường. Hiện tâm bão đang ở toạ độ 13,80 Bắc - 114,10 Đông, trên vùng biển Quảng Ngãi. Nếu bão đi chếch hướng Tây thì sẽ đúng vào khu vực Bắc Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.

"Với tình hình này, chúng ta cần phải hiểu bão đang áp sát dọc biển miền Trung, chưa biết sẽ như thế nào, có thể đổ bộ vào bất cứ khu vực nào nếu thời tiết phía Bắc có thay đổi. Cấp độ bão còn rất mạnh, hoàn lưu bão rất lớn, hướng di chuyển rất phức tạp. Và với cấp gió này, hoàn lưu này thì không chỉ ảnh hưởng đến vùng ven biển miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện phía Tây và Tây Nguyên là những nơi mà nhà kiên cố còn rất ít.

Chính vì vậy, tinh thần chỉ đạo lớn nhất là không được chủ quan, coi thường. Tỉnh thành nào, bộ ngành nào, đơn vị nào chủ quan, gây thiệt hại phải xử lý nghiêm. Các đồng chí phải quán triệt, khi bão đang vào đúng toạ độ, đúng hướng đi của khu vực chúng ta thì không được có tư tưởng chủ quan, gây ra những nguy hiểm cho người dân và cho xã hội. Cần phải quán triệt vấn đề này. Chết dân do lơ là, chủ quan là trách nhiệm của chúng ta!" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phải cưỡng chế hành chính tạm thời để bảo vệ tính mạng người dân

Để triển khai tư tưởng chỉ đạo này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 9 biện pháp. Trước hết là kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 19h tối 9/10. "Còn mấy tiếng đồng hồ nữa, tôi đề nghị tất cả các tỉnh, thành đã vận động rồi nhưng vẫn còn một số hộ trong các nhà cấp 4 chưa đi thì phải cương quyết. Nhà cấp 4 thì chỉ cần bão cấp 10 - 11 đã sập đổ hết rồi. Lần trước (bão số 11 - PV), tôi và anh Phùng Tấn Viết (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) xuống phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), có một ngôi nhà mà nếu lúc đó không cương quyết di dời thì chắn chắn đã chết rồi. Mà hôm đó bão mới cấp 11 - 12 thôi, trong khi cấp bão này còn cao hơn" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Xử lý nghiêm nếu chủ quan với siêu bão Haiyan! - ảnh 3
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc các tỉnh thành miền Trung không còn tàu thuyền nào ở trên vùng biển nguy hiểm do siêu bão Haiyan.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hướng dẫn neo buộc tàu thuyền đúng quy định và kiên quyết đưa ngư dân ra khỏi tàu. Ông nêu rõ: "Với người dân, mình vận động là chính. Nhưng những ngư dân, những người dân ngoan cố, coi thường tính mạng thì phải có biện pháp cưỡng chế hành chính cần thiết tạm thời để ra khỏi vùng nguy hiểm nhằm bảo vệ tính mạng của người dân. Mình dân chủ nhưng phải tập trung, cương quyết chứ không lơi là được. Kể cả sinh viên và công nhân ở trong các nhà tạm cũng phải di dời.

Tiêu chí để giảm số người chết, như Philippines hồi trước chết cả mấy trăm nhưng lần này chỉ chết dưới một trăm là vì người ta kiên quyết trong việc di dời dân. Cũng như kinh nghiệm của Đà Nẵng là rất cương quyết nên bão số 11 tuy cấp 11 - 12 nhưng không chết người nào trong bão. Chứng tỏ chỉ đạo cương quyết thì ít chết dân. Cho nên tôi yêu cầu di dời toàn bộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm ven sông, ven biển, nhà cấp 4 và cả trên tàu. Vận động thuyết phục, dùng loa kêu gọi nhưng đồng thời có biện pháp mạnh mẽ hơn, cưỡng chế hành chính tạm thời để đảm bảo tính mạng người dân".

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể lại một việc khi ông còn ở Đà Nẵng. Đó là trong cơn bão hồi năm 1989, ông trực tiếp xuống phường Thọ Quang. Tàu vào bờ rồi nhưng vẫn chết hàng trăm ngư dân do ở lại trên tàu và tàu bị va đập trong bão, vỡ tàu, chìm tàu dẫn tới chết người hàng loạt. "Đó là một kinh nghiệm rất xương máu!" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng cứu người dân

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục chằng chống nhà cửa, kho tàng ở cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Sở chỉ huy tiền phương được đặt tại Quân khu 5. Các địa phương trực tiếp theo dõi chỉ đạo cụ thể. Theo ông, việc chỉ huy, đôn đốc rất quan trọng đối với phòng chống bão lụt. Tinh thần "4 tại chỗ" là chính - đây là bài học xương máu trong việc phòng chống bão lụt của Việt Nam, nhưng các lực lượng phải luôn sẵn sàng ứng cứu.

Xử lý nghiêm nếu chủ quan với siêu bão Haiyan! - ảnh 4
Tuy nhiên tại cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương chiều 9/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn yêu cầu không được chủ quan, lơ là và sẽ xử lý nghiêm các tỉnh thành, bộ ngành nào chủ quan gây ra nguy hiểm cho người dân và xã hội. (Ảnh: HC)

"Công tác cứu nạn, cứu hộ phải được đặt ra. Các lực lượng quân đội, công an, Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Không quân, lực lượng thanh niên sẵn sàng cứu nạn cứu hộ khi cần thiết, kể cả dùng xe thiết giáp và máy bay khi tình hình xấu, nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Các lực lượng trên sẵn sàng các phương tiện và con người để ứng cứu dân!" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ông cũng yêu cầu tiếp tục thông tin thường xuyên đến các địa phương và người dân với thời lượng cần thiết, kịp thời và thông tin không được gây chủ quan. Đồng thời hết sức lưu ý tình hình lũ lụt sau bão sẽ rất lớn trên diện rộng. Do vậy, vấn đề xả lũ, an toàn hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi cần phải được quản lý chặt chẽ, quy trình vận hành xả lũ phải có sự kết hợp với các địa phương, thông tin một cách chủ động, kịp thời để đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

"Tất nhiên không xả lũ, nếu vỡ hồ đập thì sẽ rất nguy hiểm. Nhưng xả thế nào, thời gian nào, thời điểm nào? Nếu vào ban đêm mà ông xả, nước ngập lên thì gay go cho dân rồi. Do vậy thông tin về việc xả lũ phải được thông báo cho các địa phương một cách kịp thời hơn. Ngoài ra, một kinh nghiệm rất lớn là quản lý dân đi lại sau bão lũ rất quan trọng. Thường trong bão ít người chết nhưng sau bão, sau lũ chết rất nhiều. Như chuyện người dân bơi ra sông vớt củi gỗ do lũ xả xuống khiến nhiều người chết lắm!" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Ông cũng yêu cầu các lực lượng có chức năng không để dân đói, đau, bệnh tật. Các cơ số về lương thực, thuốc men phải được ngành y tế, công an, quân đội và Quân khu 5 chuẩn bị sẵn sàng để những nơi thiếu thuốc thì đáp ứng ngay, không để xảy ra người dân bị dịch bệnh, đói đau, màn trời chiếu đất sau bão và lũ. Đặc biệt, các ngành có chức năng đều phải có phương án chủ động khắc phục sau bão một cách kịp thời, có hiệu quả, hiệu lực, nhất là hệ thống điện, thông tin liên lạc, cấp nước... Khi cần thiết thì kiến nghị lên, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ những mặt hàng thiết yếu để đảm bảo cho người dân.

"Bão đang vào và sẽ vào ở mức độ khác nhau, cho nên việc thường xuyên trực và báo cáo, thường xuyên kiểm tra, xử lý, thông tin kịp thời, thông suốt ở mọi cấp, mọi ngành, từ tỉnh xuống huyện, xuống xã, quân khu đến tỉnh đội, công an đến công an các địa phương để chỉ đạo trong mọi tình huống. Khi một cái đập có nguy cơ, khi một khu vực bị cô lập, đe doạ tính mạng người dân thì xử lý như thế nào... Tất cả những điều đó các địa phương, các cấp, ngành chức năng thường xuyên thông tin, thông báo và chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra các ngành, địa phương để cùng tháo gỡ kịp thời các tình huống có liên quan!" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

HẢI CHÂU

Xây dựng con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số

Nhằm tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, “Sáng kiến công nghệ bao trùm” giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó thúc đẩy xã hội công bằng và bền vững.

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Đang cập nhật dữ liệu !