Xoay trục từ Ukraine sang Syria, Tổng thống Putin muốn gì? (P.2)
Phá vỡ thế cô lập
Sau 90 phút họp bàn bên lề hội nghị của Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 9/2015, ông Putin cho hay hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác song phương trong cuộc chiến chống IS.
Chia sẻ với tờ Wall Street Journal, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ khẳng định trong cuộc họp đầu tiên suốt hơn 2 năm qua, Tổng thống Obama đã thừa nhận ý định tham chiến của Nga ở Syria là nhằm tiêu diệt IS.
Tổng thống Putin phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 9/2015. |
Tuy nhiên, ngay từ khi Nga phát động chiến dịch không kích ở Syria ngày 30/9/2015, giới chức phương Tây vẫn nghi ngờ mục đích thực sự của Moscow là chiến đấu để bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad chứ không phải nhằm vào các nhóm khủng bố hoạt động tại Syria bao gồm IS. Song cả Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác với Nga trong cuộc chiến ở Syria nếu như Moscow đồng thuận để Tổng thống Assad từ chức.
Ngoài ra để tránh những va chạm đáng tiếc khi cùng hoạt động trên không phận Syria, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu và không quân Nga đã nhanh chóng đưa ra một thỏa thuận liên lạc thường xuyên. Nói tóm lại, thỏa thuận giữa hai bên được phân định rành mạch như sau: Ukraine và Syria là hai vấn đề riêng rẽ, và hoạt động hợp tác tại Syria do các tướng lĩnh quân đội phụ trách.
Tình trạng sa lầy
"Kế hoạch ban đầu của Moscow là đẩy nhanh tốc độ giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Syria và giành vị thế vững chắc trong các diễn đàn quốc tế nhằm tạo lập thỏa thuận hòa bình giải quyết xung đột", ông Vadim Kozyulin, chuyên gia quân sự tại Trung tâm nghiên cứu PIR tại Moscow chia sẻ.
Ông Kozyulin nói thêm: "Song dường như thành công trên mặt trận quân sự chưa đủ hỗ trợ cho kế hoạch ngoại giao thành công. Đây là lý do buộc Nga can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Syria cũng như điều động nhiều loại vũ khí tới chiến đấu".
Bộ Quốc phòng Nga họp báo sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24. |
Tuy nhiên, chiến sự tại Syria ngày càng phức tạp khi tình hình ở dưới mặt đất có thêm biến động với sự tham gia của nhiều bên liên quan như Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, việc Moscow ném bom vào nhóm phiến quân người Turk ở phía tây bắc Syria dường như là lý do chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết định bắn rơi oanh tạch cơ Su-24 của Nga hôm 24/11.
Trong buổi họp báo cuối năm, Tổng thống Putin thừa nhận ông chưa từng nghe thấy thông tin về việc phiến quân người Turk chiến đấu ở phía bắc Syria. Về phần mình Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tuyên bố: "Tôi đã nói với Tổng thống Putin về việc không có quân khủng bố IS ở phía bắc Syria mà chỉ có phiến quân người Turk".
Ngồi chung bàn đàm phán
Sau sự kiện một chuyến bay của Nga bị chi nhánh IS ở Ai Cập bắn rơi trên bán đảo Sinai, khiến 224 người thiệt mạng và vụ khủng bố liên hoàn hôm 13/11 tại thủ đô Paris, cướp đi sinh mạng của 130 người, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria của Nga càng có thêm chất xúc tác.
Thậm chí, không ít quốc gia phương Tây lo ngại nhiều đồng minh từng chống lại Nga sẽ thay đổi quan điểm và xích lại gần hơn với Moscow trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố IS. Điển hình, Pháp đã lần đầu tiên chính thức gọi Nga là "đồng minh" kể từ sau khi nhiều quốc gia phương Tây lên tiếng phản đối mạnh mẽ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine hồi tháng 3/2014.
Tổng thống Nga - Mỹ gặp mặt tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. |
Ngoài ra sau gần 2 năm lạnh nhạt, Nga và Mỹ đã nối lại hoạt động ngoại giao. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thăm Moscow 2 lần trong tháng 5/2015 và Tổng thống Obama cũng đã gặp gỡ người đồng cấp Nga 3 lần kể từ tháng Chín năm ngoái.
Theo chuyên gia Frolov, các cuộc tấn công của nhóm khủng bố IS tại Paris và Ai Cập đã giúp ông Putin củng cố chỗ đứng trên mặt trận ngoại giao cũng như mở cửa cho Nga trở thành đối tác tiềm năng của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong tiến trình giải quyết xung đột ở Trung Đông. Song nỗ lực này vẫn không thể giúp Moscow thoát khỏi vòng xoáy trừng phạt liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Về tương quan, vị thế đối đầu giữa Nga và phương Tây đã có phần giảm bớt căng thẳng khi hai bên thống nhất Tổng thống Assad vẫn tại vị cho tới khi quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria được tiến hành.
Tiến sĩ Karen Dawisha, học giả nghiên cứu chính sách ngoại giao của Nga ở Trung Đông nhận định: "Chính quyền Syria từng và sẽ luôn duy trì là lợi ích chiến lược và đồng minh của Nga nhưng sự ủng hộ của Moscow là dành cho chính quyền Syria chứ không phải cá nhân ông Assad".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuất bản truyền thông lớn của Nga.