Xóa nghèo ở “cuối trời Tây Bắc”
Ở Lai Châu, huyện Phong Thổ được biết biết đến như là “yết hầu” quan trọng của các cuộc tiến quân, trấn giữ biên ải trước các cuộc xâm lăng của kẻ thù. Dù có vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, nhưng Phong Thổ từ nhiều năm qua vẫn luôn phải loay hoay với nghèo đói.Trong 6 huyện nghèo khó được xếp vào danh sách “huyện 30A” của Lai Châu thì Phong Thổ xếp hạng “á quân”, chỉ đứng sau huyện Mường Tè.
Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, đa văn hóa, sắc màu, nhưng hiện nay tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới của Phong Thổ vẫn còn đến trên 40%. Và mặc dù có tới gần 100km đường biên giới, với 102.876 ha đất tự nhiên, nhưng do khoảng 70% diện tích đất có độ dốc lớn nên việc canh tác để lấy lương thực sinh sống luôn là một sự thách đố với người dân nơi đây. Bởi vậy mà cái nghèo, cái đói vẫn cứ mãi quẩn quanh nơi đất này!
Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho các hộ dân. |
Thấu hiểu được những khó khăn của bà con nghèo, từ cuối năm 2014 chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị triển khai đã đưa Lai Châu nói chung, Phong Thổ nói riêng vào danh sách các tỉnh được nhận bò hỗ trợ giảm nghèo. Theo kế hoạch, sẽ có hơn 1.000 hộ nghèo vùng biên giới của tỉnh Lai Châu được hỗ trợ bò phát triển kinh tế, trong đó cuối năm 2014, Chương trình đã trao tặng được 108 con bò, và dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ đạt mục tiêu trao tặng hơn 1.000 con bò.
Không chỉ trao tặng bò, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel còn hỗ trợ hộ dân tiền phối giống, phối hợp với Cục Khuyến nông xuất bản cuốn cẩm nang hướng dẫn chăm sóc bò. |
Chỉ tính riêng các xã biên giới của huyện Phong Thổ đến nay đã có hàng trăm con bò được trao tặng cho các hộ nghèo, trong số đó nhiều con đang chửa hoặc đã đẻ bê con… Ông Liều A Long, Trưởng bản Hoàng Liên Sơn 1 (xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ) phấn khởi cho biết: “Chưa lúc nào đồng bào được tặng một tài sản có giá trị và đúng với mong ước của mình như thế. Trên đây đất rộng, cỏ nhiều, rất hợp với bò.Biết vậy nhưng người dân ở đây nghèo quá, nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ mình đủ tiền để mua lấy một con bò.Từ khi có chương trình bò giống hỗ trợ cho người nghèo vùng biên giới thì các hộ dân trong xã tôi như được mở lối”.
Được biết, xã Nậm Xe nơi ông Liều A Long cư trú trong đợt trao tặng bò giống hồi cuối năm 2014 có tổng cộng 30 hộ gia đình được nhận bò. Như vậy, từ một sự mông lung tìm cớ để thoát nghèo, tới nay các hộ dân này đã được thắp sáng lên những niềm tin sẽ bớt đi khó khăn cực khổ.
Cùng chung tâm trạng vui mừng với các hộ dân ở xã Nậm Xe, ông Chẻo Xuân Ngan ở bản nhóm 3, xã Vàng Ma Chải cho biết: “Nhà mình nghèo lắm. Ruộng nương ít, kiếm đủ ăn cho vợ và 3 đứa con đã vất vả lắm rồi. Từ trước đến giờ, mình muốn có bò lắm nhưng nhà nghèo nên chỉ có con ngan, con gà thôi. Nhưng giờ đây nhà mình đã có bò rồi đấy. Mình vui lắm!”.
Vừa có bò, vừa có điện thoại, lại được hỗ trợ cả xi măng kiên cố hóa chuồng trại là những thứ mà từ trước đến nay chưa bao giờ ông Chẻo Xuân Ngan nghĩ đến. Nhưng nay, tất cả những thứ đó đã trở thành hiện thực khiến ông và mọi người trong gia đình không khỏi xúc động: “Chúng tôi cảm ơn Viettel nhiều lắm. Nhờ có chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” mà các con tôi có cơ hội được đi học rồi…”.
Theo Đại tá Phan Hồng Minh - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thì Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đến với Lai Châu là cơ hội để tạo nguồn thu nhập cho dân. Bằng việc nghiên cứu, lựa chọn con bò để đầu tư cho dân đã góp phần giảm nghèo bền vững và giúp dân gắn kết thêm nữa với miền đất phên dậu này.
Tính đến ngày 18/8, chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao tặng được hơn 18.000 con cho hộ nghèo tại 11 tỉnh biên giới, hoàn thành xấp xỉ 80% mục tiêu của chương trình trao tặng 24.000 con bò.
Để nâng cao hiệu quả chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã phối hợp với Cục Khuyến nông hoàn thiện cuốn cẩm nang hướng dẫn chăm sóc bò để tặng cho các hộ dân được nhận bò, giúp họ có thêm kiến thức chăn nuôi bò giống. Cẩm nang sẽ được thiết kế với phần hình ảnh là chủ đạo nhằm giúp cho người dân nghèo (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số) dễ tiếp cận hơn với cuốn tài liệu này.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng dành 12 tỷ đồng hỗ trợ chi phí phối giống cho các hộ gia đình được nhận bò. Theo đó, mỗi hộ nghèo nhận bò sẽ được hỗ trợ chi phí phối giống là 500.000đ/hộ. Số tiền tài trợ cho các hộ dân này được sử dụng để thuê bò đực địa phương phối giống tự nhiên hoặc thanh toán cho các gia đình khi bò cái đậu thai, có xác nhận của cán bộ phụ trách chăn nuôi của UBND xã.