Xét xử vụ chạy thận: VKS bảo lưu quan điểm buộc tội cựu Giám đốc bệnh viện
Đối đáp với các luật sư của bị cáo Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình – đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hòa Bình nêu quan điểm, Viện Kiểm sát không đề cập đến việc thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo là đúng hay sai, mà chỉ chỉ ra rằng việc ông Trương Quý Dương thành lập đơn nguyên Thận nhân tạo (trực thuộc Phòng Hồi sức tích cực) nhưng không có kỹ thuật viên hoặc kỹ sư.
Theo quan điểm của Viện Kiểm sát, nếu không có kỹ thuật viên hoặc kỹ sư, bệnh viện phải bố trí kỹ sư của Phòng Vật tư – Thiết bị y tế, hoặc phân công cho điều dưỡng viên.
Tại phiên tòa, bị cáo Dương khẳng định việc bố trí, phân công là trách nhiệm của Trưởng khoa, nhưng lập luận của Viện Kiểm sát là bị cáo Dương phải kiểm tra, giám sát xem ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực) có thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ được giao không.
Ngay cả việc quản lý, sử dụng trang thiết bị, cụ thể là hệ thống RO số 2, ông Hoàng Đình Khiếu cũng không giao cho ai, nhưng ông Trương Quý Dương cũng không sâu sát kiểm tra.
Việc thực hiện Hợp đồng số 315 giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn về việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2, bị cáo Dương cũng không kiểm tra việc thực hiện. Đến khi hệ thống RO số 2 sửa chữa xong, chưa xét nghiệm nước đã đưa vào sử dụng, bị cáo cũng không thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc.
Đối đáp với các luật sư, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng cho biết, việc luận tội của VKS giống cáo trạng là đúng vì các kiểm sát viên luận tội trên quan điểm hồ sơ và những lời khai tại phiên tòa.
Đại diện VKS đối đáp tại phiên tòa. |
Trước việc luật sư nêu quan điểm cho rằng VKS không đề cập đến ý kiến của các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai cho rằng “ở Bạch Mai cũng không có kỹ sư biên chế về lọc máu, nên không thể quy kết Trương Quý Dương tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng cho hay: “Ý kiến của các chuyên gia trong phiên tòa không có ảnh hưởng đến quan điểm luận tội của VKS nên chúng tôi không đưa vào”.
Bà Hằng cho rằng đơn nguyên Thận nhân tạo phải hoạt động theo quy chế khoa lọc máu, mà theo quy chế này, phải có kỹ sư, kỹ thuật viên, nhưng đơn nguyên này không có kỹ sư, kỹ thuật viên; trong nguyên đơn cũng không bố trí cụ thể điều dưỡng viên thực hiện việc của kỹ thuật viên.
Luật sư cho rằng việc bố trí là trách nhiệm của Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu. Quan điểm của VKS là việc bố trí nhân lực là nhiệm vụ của Giám đốc Bệnh viện. Giám đốc có quyền phân công cho Trưởng khoa, nhưng phải giám sát việc thực hiện.
“Chúng tôi chỉ cáo buộc bị cáo Dương buông lỏng kiểm tra, giám sát để cấp dưới sai phạm. Bị cáo Dương là người ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng, dù không trực tiếp thực hiện nhưng bị cáo phải kiểm tra, giám sát. Việc sửa chữa, bảo dưỡng đã thực hiện theo đúng định kỳ nhưng không quan tâm đến chất lượng sửa chữa, để xảy ra tình trạng sửa xong là đưa vào dùng”, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm.
Viện Kiểm sát cũng không yêu cầu Bệnh viện phải có quy trình đầy đủ, và chỉ yêu cầu phải có quy trình cụ thể để đảm bảo cho chất lượng nước đưa vào lọc máu đảm bảo.
Về hệ thống RO số 2 không giao cho ai quản lý, sử dụng, theo quy định, ông Hoàng Đình Khiếu là Trưởng khoa phải có trách nhiệm; nhưng việc VKS cho rằng ông Dương thiếu kiểm tra đôn đốc.
Đối đáp lại với Viện Kiểm sát, luật sư của ông Trương Quý Dương cho rằng nếu trách nhiệm trong phạm vi của một vụ án hình sự, phải chỉ ra những căn cứ pháp luật để xử lý các hành vi thực tế. Hành vi của ông Trương Quý Dương không tương thích với quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về chi tiết, luật sư cho rằng không phải không có ai quản lý hệ thống RO số 2, nếu ông Khiếu không giao cho ai, đồng nghĩa với việc ông Khiếu là người quản lý. Nếu quản lý lỏng lẻo, ông Khiếu phải chịu trách nhiệm.
Luật sư cũng cho rằng quan điểm về việc không bố trí vị trí kỹ thuật viên là không đúng. Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết điều dưỡng viên có thể làm nhiệm vụ này và khi chuyển giao kỹ thuật, Bệnh viện Bạch Mai cũng chuyển giao cho kip 26 người, trong đó có 3 bác sỹ và 23 điều dưỡng viên.
Đối đáp lại vòng 2, đại diện Viện Kiểm sát bảo lưu quan điểm bị cáo Dương không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong một thời gian dài, buông lỏng quản lý trong thời gian dài. Việc hệ thống RO số 2 không giao cho ai quản lý, trách nhiệm này thuộc về Giám đốc, tuy nhiên đại diện VKS cho biết sẽ xem xét trách nhiệm của những người khác.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng không thể nói thiết bị RO số 2 không có người quản lý. Nếu không giao cho ai quản lý tại sao vẫn hoạt động? Do đó, việc ông Hoàng Công Tình (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực) nói không được giao quản lý là “không đáng tin cậy vì ông Tình là người đi nhận theo ủy quyền của ông Khiếu”.
Với việc tranh luận kéo dài, VKS cho rằng nếu tiếp tục đối đáp sẽ không có hồi kết nên không có ý kiến gì thêm, đề nghị HĐXX xem xét.