Xe bọc thép của Mỹ duyệt binh ngay sát biên giới Nga
Binh lính Mỹ tham gia cuộc duyệt binh ở thành phốNarva ngay sát biên giới Nga, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòaEstonia ngày 24/2. |
Tallinn từ lâu đã công khai chỉ trích Moscow, cáo buộc chính sách hung hăng của Nga đối với các quốc gia vùng Baltic.
Cuộc duyệt binh do Tổng Tư lệnh quân đội Estonia - Trung tướng Riho Terras dẫn đầu và đích thân Tổng thống Toomas Hendrik Ilves giám sát buổi lễ.
Hơn 140 trang thiết bị quân sự của NATO cũng tham gia vào cuộc duyệt binh, trong đó có 4 xe bọc thép M1126 Stryker của Mỹ. Ngoài ra còn có 4 xe tác chiến Stridsfordon 90 của quân đội Hà Lan.
Nước chủ nhà Estonia cũng phô diễn các loại pháo, vũ khí chống tăng và vũ khí phòng không, xe bọc thép và nhiều loại vũ khí khác của mình. Hơn 1.400 binh lính đã hành quân trên các tuyến phố ở Narva.
Cuộc hành quân này được cho là nhằm vào nước láng giềng ở miền đông Estonia là Nga. Estonia vẫn luôn cáo buộc Nga đang thúc đẩy các chính sách hung hăng trong khu vực Đông Âu. Đây cũng là một trong số những nước lớn tiếng cho rằng Nga đang tiến hành một cuộc chiến bí mật, chống lại Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí và quân đội cho lực lượng ly khai ở miền đông nước này.
Moscow vẫn phủ nhận những cáo buộc đó, nhấn mạnh rằng chính Kiev đã cô lập nhân dân của mình ở miền đông và phát động một cuộc nội chiến, thay vì giải quyết các mâu thuẫn thông qua con đường đàm phán.
Nga cũng cho rằng NATO coi xung đột ở Ukraine là một cơ hội để có cớ xây dựng quân đội ở miền đông châu Âu, và làm như đang ngăn chặn sự xâm lược của Nga. Ba nước Baltic chính là những quốc gia lớn tiếng nhất đề xuất chính sách này.
Moscow cho rằng hành động trên còn là bằng chứng khác cho thấy NATO với vai trò một khối quân sự bài Nga, đang bành trướng về phía biên giới của họ, làm đe dọa đến an ninh quốc gia Nga.
Chính quyền Estonia lại cho rằng họ có quyền tổ chức bất cứ cuộc diễn tập quân sự nào mình muốn trên lãnh thổ quốc gia.
“Narva là một phần của NATO, cũng như New York hay Istanbul, và NATO sẽ bảo vệ mỗi tấc đất trên lãnh thổ của mình”, Thủ tướng Estonia Taavi Rõivas phát biểu tại thủ đô Tallinn.
Quân đội Mỹ tại Narva. |
Trên phương diện lịch sử, Narva là nơi xảy ra xung đột kéo dài hàng thế kỷ giữa Nga và Thụy Điển, khi hai nước này đấu tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Thành phố đã trải qua rất nhiều sự lãnh đạo khác nhau, và kết thúc dưới quyền kiểm soát của Nga vào năm 1704, được sử dụng như một tiền đồn quân sự trong hàng chục năm.
Thành phố Narva đã nhiều lần trở thành đề tài bàn luận như sau cách mạng tháng Mười năm 1917 và sự tan rã của Liên Xô năm 1991. Narva đã lần lượt do nước Cộng hòa tự xưng Estonia cai trị, rồi đến quân đội Đức và Hồng quân Liên Xô chiếm đóng, cho đến khi về tay Estonia theo Hiệp ước hòa bình giữa Estonia và Nga.
Sau đó, thành phố được chuyển qua từ Phát xít Đức sang Liên Xô cùng các nước Baltic trong Thế chiến thứ II và cuối cùng đã trở thành một phần của nước Estonia độc lập năm 1991.
Đây cũng là thành phố đông người dân tộc Nga sinh sống, có phong trào ủng hộ quyền tự chủ mạnh mẽ. Một số chính trị gia Estonia còn lo ngại rằng Mosow có thể sẽ khai thác khu vực này khi thấy xuất hiện mâu thuẫn.
Bình luận về vấn đề đó trong một cuộc phỏng vấn của tờ Washington Post, Tổng thống Estonia Ilves cho rằng việc coi Narva là khu vực ly khai tiềm năng là một ý kiến “ngu ngốc”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.