"Xâm nhập" chợ chuột độc nhất Hà thành
Thời gian đầu, chợ chỉ có vài gia đình bắt được nhiều chuột đem bán, sau đó đông dần, vì thế người ta gọi là “chợ chuột” chiếm một dãy tại chợ của xã. Chợ bắt đầu họp từ 3-4 giờ chiều và kết thúc khi trời sẩm tối, thời cao điểm chợ họp đông nhất từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Khá đông những người buôn chuột đổ cho các quán nhậu đã chờ chợ họp hoặc đặt hàng của những người quen, sau khi chuột đưa về rồi chế biến, đưa đi các quán nhậu.
Theo nhiều người có tuổi trong xã Hạ Bằng, thì người dân bắt chuột quanh năm nhưng nếu đúng là chuột đồng thì đến mùa gặt lúa, đất bắt đầu nứt nẻ, những cánh đồng trơ gốc rạ cũng là lúc vào mùa săn, bắt chuột. Nhiều người không còn nhớ nghề săn, bắt chuột được hình thành từ bao giờ, chỉ biết nghề săn bắt chuột từ lâu đã trở thành nghề kiếm cơm của nhiều người dân trong xã.
Ngày trước, người dân săn, bắt chuột chỉ với mục đích bảo vệ mùa màng, nhưng nhờ biết cách chế biến, thịt chuột đã trở thành món ăn phổ biến và ưa thích của nhiều người, thậm chí cả dân nhậu Hà Nội... Vì thế, người dân xã Hạ Bằng bán chuột cách đây 20 – 30 năm rồi.
Gia đình anh em nhà anh Toản chung tay thịt chuột |
Hiện nay, xã Hạ Bằng, Dị Nậu có hàng chục đội săn bắt chuột, mỗi đội có từ 3 đến 5 người. Trong số đó, gia đình anh Nguyễn Ngọc Toản là có tay nghề hơn cả. Những người trong xã thường gọi anh Toản là “vua diệt chuột”. Anh Toản làm nghề bắt chuột đã gần 20 năm nay, từ khi những cánh đồng trong làng còn nhiều chuột.
Quy trình chế biến chuột, chuột được đưa về, người ta chế biến chuột bằng cách pha nước sôi ở khoảng 70 – 80 độ C, sau đó đổ tất cả chuột đang sống vào, khoảng 1 phút thì đổ ra chậu nước lạnh rồi mới vặt lông. Nhìn cảnh cả nhà anh Toản vặt lông, mổ rồi đến thui chuột… người nào người ấy mỗi người một công đoạn từ già đến trẻ, chúng tôi không khỏi hãi hùng vì tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ các sản phẩm của chuột.
Chỉ ngồi loáng khoảng 10 phút, gần 2 yến chuột của gia đình anh đã được 5 – 6 người vặt sạch lông, đầy một chậu chuột to bé, lớn nhỏ... chẳng phân biệt được đâu là chuột đồng, đâu là chuột nhà. Sau khi vặt lông xong, anh Toản làm động tác sâu chuột thành từng chuỗi khoảng từ 10 đến 15 con vào một thanh sắt, rồi chuyển ra thui bằng rơm.
Chuột sau khi được thui bằng rơm có màu vàng ruộm, béo tròn… nhìn đẹp mắt. Khách hàng mua thịt chuột chủ yếu là những thực khách ở Hà Nội, Hải Phòng... Chuột có thể chế biến thành nhiều món như: thịt chuột xào xả ớt, chuột luộc, hấp, quay… nhưng ngon và dễ chế biến là món thịt chuột nấu giả cầy. Những miếng thịt chuột được chặt thành từng khúc nhỏ, ướp riềng, mẻ, mắm tôm.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày chợ chuột Hạ Bằng, Dị Nậu tiêu thụ hàng tạ thịt chuột với giá bán khoảng 100 đến 120 nghìn đồng/kg. Nhiều người dân ở đây còn buôn chuột của các hộ rồi đổ cho các nhà hàng, quán nhậu, xung quanh thị trấn, xã Dị Nậu, Hạ Bằng… cũng mọc lên khá đông hàng quán mang tên món nhậu đồng quê.
Chuột xâu thành từng chuỗi đem thui |
Tôi thắc mắc với anh Toản, nếu phân biệt chuột cống và chuột đồng thì làm thế nào? Anh Toản cho biết, chuột cống nhìn mình to, béo. Nếu còn sống thì lông đen, có mùi hôi hơn nhiều so với chuột đồng… Theo anh Toản, rất nhiều thực khách khoái khẩu món chuột nơi khác không phân biệt được chuột cống hay chuột đồng đều bị dính quả lừa.
Hiện nay, trên những cánh đồng quanh khu vực rất khó tìm được chuột để bắt, do nhiều người săn bắt nên cạn kiệt, những thợ bắt chuột trong làng lại phải lặn lội sang tận khu đồng ở Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai… thậm chí dân săn chuột chuyên nghiệp săn cả chuột cống bán.
Anh Toản đưa cho tôi xem bàn tay bị chuột cắn sứt mẻ cho biết, "tôi ngày nào chả đi bắt chuột, và chuột cắn là chuyện bình thường".
Đã có nhiều người bị chuột cắn xưng tay to bằng quả ổi, nhưng chủ yếu đi chữa thầy lang xung quanh đó. Anh Liêm, một cán bộ an ninh xã Hạ Bằng cho biết, tháng trước trên địa bàn xã có 2 người bị chuột cắn, chân tay sưng to, người phát sốt, phải chạy chữa.
Rồi đem ra chợ chuột bán, hoặc đổ buôn cho quán nhậu |
Nhậu với thịt chuột là món khoái khẩu của nhiều người, tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi bị chuột cắn hay tiếp xúc với chất bài tiết của chuột, con người có thể mắc một số loại virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây suy thận cấp do Hanta virus. Ngoài ra, xoắn khuẩn Leptospira ở chuột cũng có thể gây tình trạng sốt, vàng da, suy gan, suy thận cho người.